"Cửa" thoát hiểm nào cho Vinachem?

Tiến Minh 09/01/2018 06:00

Là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn với khối tài sản lên tới hơn 57.000 tỉ đồng nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lại đang chìm trong cảnh thua lỗ và "ôm" nhiều khoản nợ khủng.

Tổng vay và nợ thuê tài chính của tập đoàn này cuối tháng 6/2017 là hơn 19.000 tỷ đồng và phải trả chi phí vay lớn. Điều này khiến cho lợi nhuận của Tập đoàn Hóa Chất không mấy khả quan.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam buộc phải thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp thành viên.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam buộc phải thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp thành viên.

Bài toán lớn của Vinachem

Trong báo cáo lên Bộ Công Thương về tình hình thực hiện liên quan đến việc vay vốn đầu tư dài hạn, vay vốn lưu động, lãi suất và cơ cấu nợ vay tại các ngân hàng, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hiện 4 dự án nhà máy đạm của Vinachem bao gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai đang có nợ gốc lên tới 8.588 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có DAP - Vinachem còn nợ ít nhất 201 tỷ đồng, dự kiến trả hết nợ trong năm 2018. Ba nhà máy đạm còn lại có Đạm Ninh Bình còn nợ 2.698 tỷ đồng, dự kiến tới 2023 mới trả hết nợ. Nhà máy Đạm Hà Bắc nợ 3.952 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ lãi quá hạn lên tới 422 tỷ đồng. Dự án DAP 2 - Vinachem Lào Cai cũng còn khoản nợ 1.736 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn gần 269 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank): dự án Đạm Ninh Bình còn nợ 565 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc nợ 3.358 tỷ đồng trong khi DAP số 2 - Lào Cai nợ 1.113 tỷ đồng. Không vay vốn đầu tư dài hạn như trên, các nhà máy này cũng vay vốn lưu động tại một loạt ngân hàng. Cụ thể, Đạm Ninh Bình có khoản nợ 1.184 tỷ đồng tại BIDV và Vietcombank. 3 nhà máy đạm còn lại cũng nợ từ 183 - 575 tỷ đồng.

Vinachem cũng vay nhiều ngân hàng khác với giá trị từ 25 đến 2.000 tỉ đồng, ví dụ như: Vay Vietcombank 2.324 tỉ đồng, HSBC 320 tỉ đồng, VIB 190 tỉ đồng, Agribank 179 tỉ đồng, Shinhan 167 tỉ đồng, MB 158 tỉ đồng, Standard Chartered 90 tỉ đồng, Eximbank 81 tỉ đồng, ACB 72 tỉ đồng, Hong Leong 57 tỉ đồng, HDBank 37 tỉ đồng...

Những khoản nợ của Vinachem bắt nguồn từ gánh nặng chi phí khấu hao cùng lãi vay lớn. Bên cạnh đó, thị trường phân bón bước vào giai đoạn bão hòa, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu, trong khi nguồn cung phân đạm Việt Nam gia tăng do các đơn vị đầu tư mở rộng năng suất tại các nhà máy, dẫn đến thừa cung.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Vinachem, tập đoàn lãi hợp nhất 48 tỷ đồng nhưng trên thực thế lợi ích của công ty mẹ lỗ 192 tỷ đồng. Phần lợi nhuận của các cổ đông không kiểm soát tại các công ty liên doanh là 240 tỷ đồng.

Năm 2016 tình trạng tương tự cũng diễn ra khi các cổ đông không kiểm soát ở các liên doanh lãi 441 tỷ đồng thì công ty mẹ Vinachem lỗ 1.336 tỷ đồng. Kết quả chung Tập đoàn lỗ hợp nhất 895 tỷ đồng.

Số vốn vay được Vinachem sử dụng tại công ty mẹ khoảng gần 7.000 tỷ đồng, còn lại được phân bổ cho các công ty con. Trong đó, các dự án/ công ty sử dụng vốn lớn là Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (7.938 tỷ đồng); Công ty DAP số 2 Vinachem (3.349 tỷ đồng); Công ty phân bón Bình Điền (1.746 tỷ đồng); Công ty CN cao su Miền Nam (2.056 tỷ đồng); Công ty Pin Acquy Miền Nam (920 tỷ đồng); Công ty Đạm Ninh Bình (1.177 tỷ đồng)....

Nhiều dự án trong số này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém thua lỗ thuộc ngành công thương đang được tập trung xử lý như các dự án DAP, Đạm Ninh Bình hay Nhà máy Đạm Hà Bắc.

"Le lói" lối thoát?

Mới đâyPhó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính là hóa chất, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của tập đoàn.

Theo đề án, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinachem là sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

Vốn điều lệ của Vinachem đến năm 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng. Tập đoàn xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ giai đoạn 2018-2019. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Đặc biệt, Vinachem phải thoái hết vốn tại 4 công ty phân đạm thua lỗ là Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, sau khi các đơn vị này hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả trở lại.

Việc cho thoái vốn khỏi 4 dự án được coi là bước tiếp theo trong việc xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương sau nhiều năm các dự án này đắp chiếu, chôn hàng chục nghìn tỷ đồng vốn nhà nước.

Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, 2017 là năm đặc biệt khó khăn với tập đoàn. Tuy nhiên, đến hết năm, Vinachem đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 8,8%; doanh thu ước tăng 5,5% so với năm 2016. Lợi nhuận cộng hợp ước đạt 50,1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Vinachem, cả 4 dự án đầu tư nghìn tỷ vốn bị thua lỗ nặng của tập đoàn đã duy trì được sản xuất, doanh thu và giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem, một trong 4 dự án có triển vọng thoát ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ khi đã có lãi 5,2 tỷ đồng trong năm qua.

Theo báo cáo, chi phí sản xuất của các dự án đã thấp hơn giá bán từ 52.000 - 892.000 đồng/tấn. Đến nay, cả 4 nhà máy của Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã hoạt động tới 80% công suất. Nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai đã đa dạng hóa sản phẩm với 64% đạm xanh giá trị cao, có lãi 600.000 đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã hoàn thành quyết toán mặc dù bị chậm so với thời gian quy định, các dự án còn lại vẫn chưa hoàn thành quyết toán do phát sinh vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu thực hiện gói thầu chính EPC của dự án. Tập đoàn đã gia hạn tiến độ hoàn thành quyết toán đối với các dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; dự án Cải tạo và mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc và dự án DAP số 2 - Vinachem đến hết quý I/2018. Theo kế hoạch đề ra của Vinachem, đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản những khó khăn gặp phải của các dự án và đến năm 2020, hoàn thành xử lý tất cả các tồn tại cũng như hoàn tất việc thoái vốn.

Cũng theo Đề án được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt, việc tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Vinachem giai đoạn 2017-2020, sẽ thực hiện cổ phần hóa Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 22 của Thủ tướng về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Qua đó, Vinachem nắm giữ cổ phần chi phối; tái cấu trúc Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả

Tập đoàn cũng thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam giai đoạn 2017-2018, Vinachem nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Vinachem nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ của 7 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ Que hàn; Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì; Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam; Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam.

Đồng thời, 9 doanh nghiệp sẽ do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam; Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng; Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ; Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam; Công ty cổ phần Bột giặt NET; Công ty cổ phần Bột giặt LIX; Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam.

Vinachem thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 15 doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội; Công ty cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú; Công ty cổ phần Ắc quy tia sáng; Công ty cổ phần Cao su Inoue Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa và Hóa chất TPC Vina; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam; Công ty cổ phần Sơn tổng hợp Hà Nội; Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang; Công ty cổ phần Pin Hà Nội; Công ty cổ phần Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất; Công ty cổ phần Cảng Đạm Ninh Bình; Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh; Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ; Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp Hóa chất.

Tiến Minh