"Điểm nghẽn" của PV Power
Với ưu thế là một trong hai nhà sản xuất điện lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, phiên chào bán cổ phần của PV Power đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và hứa hẹn sẽ là một thương vụ cạnh tranh với những diễn biến bất ngờ.
Ngày 31/01 tới đây, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, PV Power có vốn điều lệ là 23.418 tỷ đồng. Công ty sẽ đấu giá công khai 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ trong đợt IPO này.
Giá khởi điểm được xác định là 14.400 đồng/cổ phần. PVN dự kiến thu về 6.745 tỷ đồng nếu đấu giá thành công ở mức giá thấp nhất là giá khởi điểm. Ở mức giá này, tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty khoảng 1,48 tỷ USD.
Ngoài ra, PV Power cũng sẽ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược 676 triệu cổ phần, chiếm gần 29% vốn điều lệ. Yêu cầu đặt ra với nhà đầu tư chiến lược là phải kinh doanh có lãi trong 2 năm gần nhất, không có lỗ lũy kế. Đồng thời cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.
PV Power có gì?
Theo một số chuyên gia, điện lực là một trong những ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2018. Năm 2017, nhóm doanh nghiệp điện đã có kết quả kinh doanh khả quan hơn nếu so với năm 2016, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy điện. Những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vừa qua chưa tốt do hoạt động đại tu trong năm như Nhơn Trạch 2 có thể sẽ có tăng trưởng tốt khi phục hồi trong năm 2018.
Thời gian tới, việc các tên tuổi lớn ngành điện cùng chào bán cổ phần ra công chúng như PV Power (công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) hay ba tổng công ty phát điện của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (GENCO 1, GENCO 2 và GENCO 3) sẽ mang đến cho thị trường những cổ phiếu chất lượng, nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn mới.
Theo số liệu thống kê, PV Power đứng thứ 2 trong ngành về sản lượng phát điện và công suất lắp đặt, chiếm khoảng 12% tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Lũy kế sản lượng điện ổn định khoảng 21 tỷ kWh/năm, bằng gần 13% sản lượng toàn ngành. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh điện luôn chiếm từ 85-95% cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của công ty.
PV Power đang là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực điện khí (cả về công suất thiết kế và sản lượng) và hiện doanh nghiệp này đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai nhiều dự án điện khí tại Việt Nam.
PV Power sở hữu 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất 4.208 MW, bao gồm: Vũng Áng 1, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Hủa Na, Dakrinh, Nậm Cát. Trong đó, thủy điện chiếm khoảng 7,3%, nhiệt điện than chiếm 28,5%, nhiệt điện khí chiếm 64,2% công suất.
Năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất cả năm của PV Power đạt 21,131 tỷ kWh; Doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt 28.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.517 tỷ đồng. Năm 2017, tổng sản lượng điện sản xuất của PV Power đạt 20,58 tỷ kWh, doanh thu hợp nhất 30.987 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.300 tỷ đồng.
Đánh giá về PV Power, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, có chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh tốt. Cổ phiếu của PV Power chắc chắn sẽ hút hàng nhờ có tính thanh khoản cao và được chào bán với số lượng lớn. Vị chuyên gia này nhận định, phiên IPO của PV Power nhiều khả năng sẽ là một cuộc đua đầy tính cạnh tranh với nhiều bất ngờ.
Nhiều "vấn đề"
Không thể phủ nhận sức hút của PV Power trước thềm IPO. Tuy nhiên, với PV Power, vẫn có một số vấn đề cần mổ xẻ.
Năm 2017, PV Power dự kiến doanh thu Công ty mẹ đạt 21.407 tỷ đồng, lợi nhuận 1.309 tỷ đồng, như vậy ROE đạt 6,4%. Với kết quả này, mức giá khởi điểm 14.400 đồng/CP không đắt, nhưng cũng không quá rẻ, lợi thế của PVPower có lẽ cần được xem xét trên việc định giá theo phương pháp tài sản vì có thể đem lại mức chênh lệch tốt trong tương lai.
Bên cạnh đó, PV Power còn đối mặt với vấn đề về biến động tỷ giá ngoại tệ cho khoản vay Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (gần 800 triệu USD), theo ước tính của Tổng công ty là USD tăng giá 1% sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, giá khí, nguyên liệu đầu vào của Nhà máy Cà Mau 1 và 2 nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng, cũng như việc thiếu hụt khí cho sản xuất điện do thỏa thuận phân chia khí tại Vùng chồng lấn với Malaysia sắp đến giai đoạn mỗi bên hưởng 50-50 cũng là vấn đề đau đầu với PV Power.
Một vấn đề nữa đó là PV Power đang triển khai Dự án đầu tư Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Theo chủ trương, Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp. Do đó, nhiều khả năng PVPower sẽ thu xếp vay thương mại hoặc vay đảm bảo từ các hợp đồng mua bán điện… Dù theo cách nào chăng nữa, chi phí lãi suất và biến động tỷ giá cũng là những ẩn số có tác động tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty trong những năm tới.