Vì sao Đại gia Thái muốn nắm trọn tổ hợp hóa dầu 5 tỷ USD?
Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa thể hiện tham vọng nắm trọn tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam khi muốn mua lại toàn bộ vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để sở hữu 100% dự án này.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đó đề nghị được mua lại toàn bộ 29% vốn của PVN tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, kèm theo một số điều kiện để triển khai dự án này. Như vậy, nếu đề nghị này được chấp thuận, đại gia Thái sẽ sở hữu 100% dự án hóa dầu trị giá trên 5 tỷ USD này.
Đã nắm 71% cổ phần LSP
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư năm 2008 với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD với sự tham gia của 3 tập đoàn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan.
Sau khi Vinachem rút lui, Tập đoàn QP của Qatar vào thế chỗ. Tuy nhiên, vì một số khúc mắc trong nội bộ nhà đầu tư của Qatar (đó là việc sáp nhập QPI - đối tác góp vốn vào hóa dầu Long Sơn vào công ty mẹ - QP) cho nên nhà đầu tư này đã rút khỏi dự án hóa dầu Long Sơn. Ngay sau khi nhà đầu tư Qatar rút lui, Tập đoàn SCG hồi đầu năm 2017 đã mua lại phần vốn vay của nhà đầu tư Qatar Petroleum để nâng tỷ lệ nắm giữ tại dự án này lên 71%.
Từ số vốn ban đầu 3,7 tỷ USD, đến nay vốn đầu tư của Dự án đã tăng lên 5,4 tỷ USD. Tập đoàn SCG và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hai cổ đông lớn nhất tại dự án, trong đó PVN chiếm 29%, còn SCG chiếm 71%.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vướng mắc lớn nhất của dự án trong thời gian qua là thu xếp phần vốn vay của PVN trong liên doanh, về thủ tục phê duyệt các gói thầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ ký kết hợp đồng EPC và tiến độ triển khai của dự án.
Do vấn đề thu xếp vốn của phía Việt Nam còn chậm nên chưa đủ điều kiện tài chính để ký kết hợp đồng EPC. Vì vậy, gói thầu đã phải gia hạn thêm nhiều lần kể từ thời điểm Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu EPC vào đầu tháng 7/2017.
Tham vọng lớn
SCG đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 với nhiều lĩnh vực như xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Hiện tập đoàn này có 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên. Một trong những thương vụ đình đám tại Việt Nam là mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam), với giá gần 5.000 tỉ đồng cuối năm 2012.
Theo lãnh đạo SCG, chiến lược kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm tới là tiếp tục ưu tiên rót vốn đầu tư vào các dự án chế biến lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam. Do đó, SCG tiếp tục tập trung củng cố và mở rộng hợp tác với PVN. Trong đó, Long Sơn sẽ là là khu phức hợp hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam.
Với giá trị lên tới 5,4 tỷ USD, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của SCG tại ASEAN. Đến nay, SCG đã đầu tư 30 tỷ baht (khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng) vào dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn, chủ yếu để mua quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng.
Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, là công trình trọng điểm dầu khí, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/năm. Điểm nổi bật của Dự án là hệ thống công nghệ kỹ thuật ứng dụng qui trình hàng đầu, được chứng nhận toàn cầu.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022. Với tổng diện tích 464 hécta, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại. Tổ hợp này cũng sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu USD mỗi năm (khoảng 2.500 tỷ đồng) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.
Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ôtô, điện tử… góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam. Các sản phẩm của nhà máy dự kiến sẽ thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam. Dự án có tỷ lệ hoàn vốn nội bộ ở khoảng 13-14%.