Vinafood 2 có "dễ xơi"?
Là doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ, nhưng kết quả kinh doanh lại không mấy khả quan, tồn tại nhiều khoản thua lỗ nặng nề cùng những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành khiến Vinafood 2 kém dấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trước thềm IPO.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vừa thông báo việc tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ -Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Thời gian đấu giá dự kiến vào 9h sáng ngày 14/3.
Sẽ IPO vào 14/3
Theo phương án cổ phần hóa, Vinafood 2 sẽ đấu giá công khai 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương gần 23% vốn điều lệ. Giá khởi điểm khi đấu giá là 10.100 đồng/ cổ phần. Thông tin đấu giá cụ thể sẽ được chính thức công bố từ 7/2.
Sau nhiều lần trì hoãn, phương án cổ phần hóa Vinafood 2 theo hình thức bán cổ phần Nhà nước đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt vào đầu tháng 1. Phiên IPO được tổ chức chỉ 2 tháng rưỡi sau khi phê duyệt.
Vốn điều lệ của Vinafood 2 là 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 255 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 114.831.000 cổ phần, chiếm 22,97% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 4.969.000 cổ phần, chiếm 0,99% vốn điều lệ; cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125.000.000 cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty cổ phần là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà tổng công ty đặt ra là tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tối thiểu 3.500 tỷ đồng đồng thời có lãi sau thuế 3 năm liên tiếp và ko có lỗ lũy kế đến hết năm 2015. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cùng Vinafood 2 tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện liên kết với nông dân tạo thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo.
Có gì hấp dẫn?
Vinafood 2 là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, tiền thân là Tổng Công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976. Hiện có 14 đơn vị thuộc khối mẹ và một đơn vị Văn phòng Tổng Công ty, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết, với gần 2.600 cán bộ, công nhân viên. Thế nhưng, kết quả kinh doanh “bết bát”, tồn tại nhiều khoản thua lỗ nặng nề cùng những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành khiến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp này diễn ra rất nan giải, kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo báo cáo đến cuối tháng 6/2017, công ty có tổng tài sản 8.799 tỷ đồng và khoản vay nợ dài hạn 3.770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty là 3.885 tỷ đồng và lỗ lũy kế 912 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017 công ty lỗ 118 tỷ đồng. Trong khi cả năm 2016 công ty lãi 156 tỷ đồng và năm 2015 lãi 136 tỷ đồng.
Không chỉ đi xuống về kinh doanh, nửa đầu năm 2017, tình hình nợ vay của Vinafood 2 cũng có dấu hiệu tiêu cực trở lại. Tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) của tổng công ty này đã tăng tới 927 tỷ đồng sau 6 tháng, đạt 3.855 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc ngày 30/6/2017, gần tương đương vốn chủ sở hữu (3.885 tỷ đồng).
Năm ngoái, nợ vay của Vinafood chuyển biến rất tích cực khi giảm từ mức 4.550 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 2.928 tỷ đồng, tương đương giảm tới 1.622 tỷ đồng.
Vinafood 2 được xem là doanh nghiệp khá phức tạp với các khoản thua lỗ, nếu không được định giá chính xác, minh bạch sẽ rất khó thu hút được nhà đầu tư. Để xác định đích thực giá trị của Vinafood 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán đơn vị này.
Ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tất cả các khoản thua lỗ, những tồn tại về mặt tài chính, nhưng chưa đủ căn cứ và điều kiện để xử lý tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tiếp tục kế thừa để chuyển sang công ty cổ phần.
Về phía Vinafood 2, lâu nay, Vinafood 2 được xem như doanh nghiệp “sống” nhờ hợp đồng tập trung. Tuy nhiên trước sức ép của quá trình cổ phần hóa, Tổng công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp lại các mô hình hoạt động với phương châm gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và rút kinh nghiệm từ những thất thoát, thua lỗ vừa qua để khắc phục.
Cách đây không lâu, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 đã tiết lộ "kế hoạch dài hơi của Vinafood 2" khi cty đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kỳ vọng đến năm 2020 chiếm 20% diện tích đồng bằng sông Cửu Long đồng thời sẽ là đơn vị bao tiêu toàn bộ lúa canh tác theo hợp đồng ký kết với nông dân, đứng ra bảo lãnh cho nông dân có nguồn vật tư sản xuất với giá hợp lý và được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thêm về dịch vụ hậu cần và kỹ thuật. Việc kết hợp với ngân hàng thương mại không đơn thuần chỉ dừng ở việc cung ứng vốn cho người nông dân trồng lúa mà "thấm" vào toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo, từ khâu sản xuất giống đến khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu.
Như vậy, sau khi nắm trong tay nguồn nguyên liệu lớn, ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trồng theo yêu cầu phù hợp với từng thị trường quốc tế, Vinafood 2 sẽ đi đến giai đoạn tiếp theo là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nhằm bán được giá cao, thoát khỏi tình trạng cạnh tranh giá rẻ trên nền gạo cấp thấp.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư với doanh nghiệp ngành gạo còn nằm ở khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, kéo lùi kết quả sản xuất, kinh doanh chung. Đầu năm 2018, Việt Nam trúng thầu trên 140.000 tấn gạo sang Indonesia chủ yếu là Vinafood 2 trúng thầu. Đó cũng là một trong những "điểm cộng" của doanh nghiệp này trước thềm IPO.
"Về lâu dài, nội tại thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi giải quyết được bài toán thị trường, có hướng đi mới triển vọng, cổ phiếu ngành gạo mới mong thu hút được nhà đầu tư", vị chuyên gia này nhận định.