Doanh nghiệp quân đội với bản chất cách mạng

Thiếu tướng, TS TRẦN ĐÌNH THĂNG Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng 17/02/2018 18:25

Với bản chất của quân đội cách mạng, các doanh nghiệp quân đội có vai trò rất quan trọng trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế, đóng góp nhiều nguồn lực cho quốc phòng và tham gia xây dựng đất nước.

Để đảm bảo cho đất nước có một nền quốc phòng vững mạnh, trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thì quân đội ngoài việc sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ Tổ quốc, còn phải tích cực sản xuất quốc phòng và xây dựng kinh tế.

Thượng tướng Bế Xuân Trường,Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo Cục Kinh tế/BQP, lãnh đạo Tổng cục CNQP/BQP tham quan cơ sở sản xuất của Nhà máy Z131/TC CNQP.

Thượng tướng Bế Xuân Trường,Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo Cục Kinh tế/BQP, lãnh đạo Tổng cục CNQP/BQP tham quan cơ sở sản xuất của Nhà máy Z131/TC CNQP.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị và bám sát thị trường

Hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp quân đội không lớn nhưng đã từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra; phát huy vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực cho quốc phòng; sản xuất được một số sản phẩm mà trước đây vẫn phải nhập của nước ngoài. Nhiều nhà máy quốc phòng đã làm chủ được khoa học, công nghệ mới, hiện đại mà trước đây chúng ta phải dựa hoàn toàn vào các nước khác; tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước.

Các sản phẩm quốc phòng giờ đây đã rất đa dạng; thậm chí một số doanh nghiệp quân đội đã phục hồi lại được những vũ khí trang bị mà trước đây chưa có công nghệ và trang bị đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp đã có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu đi các nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực đóng tàu, CNTT, truyền thông, dệt may, cơ khí, đồ nhựa. Các doanh nghiệp quân đội đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung ứng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho quân đội thay thế nhập ngoại.

Các doanh nghiệp quân đội đang thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại theo “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016-2020”, quân đội sẽ rút từ 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, xuống còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp quân đội đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo; chấp hành nghiêm các chế độ về quản lý tài chính và kế toán; từng bước chiếm lĩnh được thị trường quốc phòng và mở rộng ra thị trường xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã bám sát yêu cầu thị trường; tích cực đổi mới công nghệ; nâng cao chất lượng sản phẩm; chiếm lĩnh được thị trường… Doanh nghiệp quân đội đang dần khẳng định là hạt nhân trong việc đảm bảo an sinh xã hội; khẳng định chủ quyền quốc gia; góp phần tạo tiềm lực quốc phòng trong thế bố trí chiến lược mới; thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Năm 2017, doanh thu của doanh nghiệp quân đội ước đạt 361.600 tỷ đồng (bằng 104% so với năm 2016, đạt 105% kế hoạch năm); lợi nhuận trước thuế gần 47.000 tỷ đồng (bằng 106% so với năm 2016, đạt 105% kế hoạch năm); nộp ngân sách nhà nước hơn 42.600 tỷ đồng (bằng 106% so với năm 2016, đạt 105% kế hoạch năm); tạo việc làm ổn định cho khoảng 179.500 người lao động, với thu nhập bình quân của người lao động đạt 12,8 triệu đồng/người/tháng...

Vượt qua đặc thù, hòa nhập nền kinh tế

Tuy nhiên, do có những đặc thù riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc; đòi hỏi các cấp, các ngành cần nghiên cứu, giải quyết và có các giải pháp đồng bộ, đột phá để phát huy vai trò các doanh nghiệp quân đội trong tham gia phát triển kinh tế đất nước thời kỳ hội nhập.
Thứ nhất, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia xây dựng,

phát triển kinh tế của quân đội cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Các doanh nghiệp quân đội không hoạt động kinh tế thuần túy, mà phải góp phần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội, chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội...

Thứ hai, từng bước cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể, phá sản các doanh nghiệp yếu kém, ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo đúng lộ trình. Củng cố, phát triển, quy tụ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh. Quá trình tổ chức, sắp xếp lại phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; trong đó, việc xác định ngành nghề sản xuất kinh doanh cần theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững, lâu dài.

Thứ ba, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, gắn với nâng cao khả năng độc lập tự chủ của các doanh nghiệp; tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại để duy trì và phát triển năng lực sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp quân đội; hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới các tổ chức, nhà đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển, đẩy nhanh quá trình hội nhập. Tích cực xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng...

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính đối với hoạt động của các doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện mới, cơ chế mới. Đối với doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần thì kiên quyết thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với doanh nghiệp quốc phòng an ninh cần thiết thì nhà nước và quân đội cần có cơ chế đầu tư vốn một cách phù hợp. Tiếp tục rà soát, bổ sung đủ vốn điều lệ theo phê duyệt cho các doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước; chủ động cơ cấu lại nguồn vốn của các doanh nghiệp... Các doanh nghiệp sản xuất hàng quốc phòng cần được tạo cơ chế ứng vốn sản xuất tương ứng với số vốn điều lệ còn thiếu; không để bất kỳ doanh nghiệp nào phải vay vốn để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng…

Thứ năm, nâng cao vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng; vai trò người đại diện chủ sở hữu, kiểm soát viên tại doanh nghiệp trong quản lý, phát triển doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan chức năng cấp chiến lược, chiến dịch, căn cứ chức năng, thẩm quyền làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, chỉ đạo tại doanh nghiệp. Nắm chắc tình hình, chủ động, tích cực, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm; không để xảy ra việc vi phạm các quy định về quản lý vốn, đầu tư tài sản, hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh. Không để doanh nghiệp rơi vào mất an toàn về tài chính, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của quân đội…

Thiếu tướng, TS TRẦN ĐÌNH THĂNG Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng