Cổ phiếu Petrolimex tăng kịch trần: Liệu đã vội mừng?
Sau tin Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít, cổ phiếu PLX của Petrolimex được giới đầu tư tranh mua, tăng giá kịch trần.
Cổ phiếu được "tranh nhau" mua
Ngày 23/2, Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có phiên tăng giá kịch trần lên 82.900 đồng/cổ phiếu sau thông tin Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Tại dự thảo Nghị quyết này là Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng mức thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu ma dút, dầu nhờn tăng mức thuế từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn: tăng mức thuế từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg,...
Là ông lớn đang chiếm gần một nửa thị phần xăng dầu trên cả nước, Petrolimex rất ủng hộ về chủ trương tăng thuế môi trường với xăng dầu. Cách đây 1 năm, tập đoàn này từng có văn bản gửi Bộ Tài chính tán thành việc tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ mức trần 4.000 đồng lên 8.000 đồng/lít.
Ngoài ra, tập đoàn này còn đề nghị tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường dầu nhờn so với mức 900-4.000 đồng/kg của dự thảo.
Một động lực khác khiến cổ phiếu PLX tăng trần còn đến từ thông tin Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn khỏi Petrolimex trong năm nay.
Cụ thể, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, bà Tào Thị Kim Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2018 này, Bộ Công Thương sẽ tập trung thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn, trong đó có Petrolimex.
Bài toán của Petrolimex
Theo danh sách thực hiện thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 được Chính phủ công bố, năm 2018 Bộ Công thương sẽ tiến hành thoái 24,86% vốn tại Petrolimex, tương ứng giảm sở hữu từ 84,71% xuống còn 59,85%.
Hồi tháng 4/2017, cổ phiếu PLX của Petrolimex đã chính thức niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và trở thành một trong những cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất. Từ ngày 22/1/2018, PLX là một trong hai mã mới được lọt vào rổ cổ phiếu bộ chỉ số VN30 có hiệu lực đến ngày 20/7/2018 với tỷ lệ Free Float là 10%.
Tuy nhiên, "ông lớn" này cũng đối mặt với khá nhiều vấn đề. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 vừa được Tập đoàn này công bố, mặc dù doanh thu có tăng song lợi nhuận cả năm 2017 lại giảm tới 23% so với năm 2016.
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý của PLX là 43.224 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng tới hơn 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, ở mức 40.160 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 3.063 tỷ đồng, giảm 32% so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của PLX là 1.078 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước đó.
Lý giải về điều này, Petrolimex cho biết, giá dầu thế giới trong quý IV có xu hướng tăng liên tục dẫn đến tốc độ gia tăng giá vốn hàng bán cao hơn tốc độ tăng doanh thu khoảng 8%.
Bên cạnh đó chính sách điều hành thuế suất thuế nhập khẩu bình quân mặt hàng xăng trong giá cơ sở công bố của Nhà nước thấp hơn mức thuế suất áp dụng thực tế nên ảnh hưởng đến lãi gộp bán hàng của Petrolimex.
Ngoài ra, một số lĩnh vực kinh doanh như nhiên liệu bay, nhựa đường, sơn… lợi nhuận tuy đạt hoặc vượt tiến độ kế hoạch năm 2017 song có xu hướng giảm hoặc chững lại do không hội tụ được các yếu tố thuận lợi như so với cùng kỳ năm 2016 cũng góp phần khiến lợi nhuận PLX sụt giảm.
Petrolimex cũng cho biết, lợi nhuận trong công ty liên doanh liên kết cũng giảm 45% so với cùng kỳ do trong kỳ phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ chênh lệch thuế suất ưu đãi của các năm trước.