BMP về tay người Thái?

Lê Mỹ 07/03/2018 16:02

Việc người Thái nhảy vào đăng ký tham gia đấu giá mua toàn bộ cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC vừa đăng ký là kịch bản không hề ngoài dự đoán của giới đầu tư.

BMP là doanh nghiệp có vốn nhà nước của Việt Nam đang nằm trong toan tính thâu tóm của Nawaplastic Industries (Saraburi) với giá hàng ngàn tỷ đồng.

So sánh Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong

Trong ngành nhựa, xét lịch sử CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP, còn được gọi là “Nhựa Tiền Phong) lâu đời hơn Nhựa Bình Minh trên thị trường Việt. “Gốc gác” của Nhựa Tiền Phong cũng mang dấu ấn “doanh nghiệp Nhà nước” đậm hơn ở Nhựa Bình Minh, mặc dù ở thời điểm hiện tại, cổ phần mà đại diện vốn Nhà nước nắm giữ tại Nhựa Bình Minh cũng khá cao (29,51%) so với 37,1%.

96.500
đồng (khoảng $4.25)/cổ phiếu là giá khởi điểm của cổ phiếu BMP .

Về nội lực, Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh đang bám đuổi nhau và dẫn đầu trong hoạt động kinh doanh ngành, ở nhiều chỉ tiêu khác nhau. Theo thống kê, tại miền Nam NTP vẫn đang chi phối miếng bánh lớn đang nắm giữ nhỉnh hơn Nhựa Bình Minh và phủ rộng ở thị trường miền Bắc với khoảng 60% và tính chung trên thị trường nội địa, ước nắm khoảng 30%. Nhựa Bình Minh “chiếm giữ” thị phần miền Nam hơn 30% và tính chung thị phần nội địa là hơn 20%. Doanh thu của Nhựa Tiền Phong đến cuối 2017 là 4.430 tỷ đồng, của Nhựa Bình Minh là 3.826 tỷ đồng. Tuy nhiên, mặc dù cả 2 ông lớn ngành Nhựa đều suy giảm lợi nhuận, Nhựa Bình Minh vẫn giữ được lợi nhuận từ hoạt động lõi cao hơn Nhựa Tiền Phong với 471 tỷ đồng, trong khi Nhựa Tiền Phong có lãi cao 557 tỷ đồng nhưng trong đó bao gồm lãi ghi nhận hơn 100 tỷ đồng từ các công ty liên kết. Theo đó, dù “nhỏ” hơn về quy mô, thị phần, doanh thu…, Nhựa Bình Minh vẫn đang chứng tỏ mô hình hoạt động kinh doanh cho tỷ suất lợi nhuận /doanh thu cao hơn. Có nghĩa, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Con đường “Thái hóa” vạch sẵn

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BMP và NTP cũng đang có sự chênh lệch nhất định, thể hiện đánh giá của nhà đầu tư về giá trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Cụ thể, BMP đang giao dịch quanh mức 92.000đ/CP và NTP đang được đặt giá ở 67.000đ/CP.

Giới đầu tư sau thông tin đăng ký chào bán toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phần nắm giữ tại BMP của SCIC với mức giá khởi điểm 96.5000đ/cổ phần, đang chờ đợi “định giá” tiếp theo của SCIC đối với số lượng cổ phần NTP. Chắc chắn một điều rằng định giá được chào bán từ mức khởi điểm theo phương thức cạnh tranh, dựa trên giá thị trường đang giao dịch, sẽ cho con số thị giá NTP không thể vượt mặt BMP, một khi SCIC mở hồ sơ “ra hàng”. Như vậy, để sở hữu cổ phần chi phối một doanh nghiệp ngành nhựa đang có đối thủ cùng so kè, hẳn, nhà đầu tư sẽ không chỉ cân nhắc tổng giá trị phải bỏ ra, mà quan trọng là tiềm năng của doanh nghiệp đó, hiện nay và tương lai.

Một chuyên gia đánh giá tuy đứng sau NTP về nhiều yếu tố lịch sử, quy mô, thị phần, doanh thu… nhưng BMP vẫn xứng đáng là thỏi nam châm để Nawaplastic rót vốn. Được biết, Nawaplastic là Cty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC, do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% cổ phần. TPC hiện đang nắm 50% thị phần tại thị trường nhựa Thái Lan và đang sở hữu nhiều công ty ngành nhựa khác của Việt Nam như Chemteck Co (Sản xuất polyethylene XLPE - TPC nắm 100% vốn cổ phần); Viet-Thai Plastchem (Sản xuất nhựa, bao bì - TPC nắm 72,49% vốn cổ phần); TPC Vina Plastic and Chemicals (Sản xuất nhựa PVC - TPC nắm 70% vốn cổ phần). Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của TPC là Tập đoàn Siam Cement (SCG) với sở hữu hơn 90% cổ phần.

Lối chung cho ngành nhựa?

Dù kịch bản là như vậy, “30 chưa phải là tết”, ngày đấu giá chính thức cổ phiếu BMP vẫn đang ở phía trước. Để thâu tóm được thêm hơn 24,1% triệu cổ phần BMP, tăng lượng nắm giữ cổ phần BMP lên tới 49,91%/ vốn điều lệ, theo ước tính nhà đầu tư sẽ phải chi ra không thấp hơn 2.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có lẽ tài chính không phải là chuyện lớn đối với đại gia Thái một khi quyết tâm thực hiện vụ thâu tóm cổ phần nhằm nắm giữ một doanh nghiệp đầu ngành sản xuất nhựa trên thị trường. Trước đó, để khai lộ tiến sâu hơn vào BMP như mong muốn hiện nay, họ đã bán ra 24% cổ phần nắm giữ tại NTP. Nếu tính trên thị giá NTP ở thời điểm nhà đầu tư Thái thoái vốn trong khoảng 69.000-71.000đ/cổ phần, cũng có nghĩa họ đã thu sẵn về một khoản tiền khoảng 1.500 tỷ đồng, cho thương vụ sau bán, là mua.

Ở phía BMP, một cách chủ quan, chắc chắn nhà đầu tư chiến lược mà họ mong đợi sẽ là người Thái - người “quen” đã cùng họ gắn bó và đang có những mối quan hệ làm ăn liên quan trực tiếp đến chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự quen thuộc về văn hóa, tầm nhìn, chiến lược quản trị và những tương hỗ khi người Thái đặt chân chi phối lớn hơn nữa tại BMP, có thể gây lo lắng cho thị trường về chuyện “Thái hóa”, song đối với doanh nghiệp, một lãnh đạo cấp cao không nêu tên chia sẻ là “không hề ảnh hưởng mà ngược lại, sẽ giúp BMP tiếp tục có động lực thẳng tiến về phía trước.

Trong cuộc “so găng” tới đây, theo lộ trình đã định, SCIC sẽ đứng ngoài vì sẽ phải thực thi thoái vốn tiếp tại NTP. Để có thể tiếp thêm sức mạnh cho NTP giữ ngôi vương vững vàng ở miền Bắc và cạnh tranh hiệu quả với BMP cũng như những “thế lực” nhăm nhe chia miếng bánh ống nhựa và phụ tùng nhựa xây dựng, có lẽ, cổ đông Nhật Bản với 15% cổ phần tại NTP cũng khó lòng đứng yên. Đây sẽ là lợi thế cho SCIC một khi thoái vốn tiếp NTP, có cơ hội thực thi mục tiêu thu lợi về cho Nhà nước cao hơn, và thoái vốn toàn bộ trong một lần.

Dù không phải là thương vụ đạt giá bán vốn thu về nguồn tiền rúng động với trên trăm ngàn tỷ đồng như vụ người Thái mua Sabeco, nhưng cục diện của SCIC tại những ông lớn đứng đầu ngành nhựa có vẻ đã ngả ngũ. Chỉ riêng cục diện cạnh tranh của ngành nhựa sau động thái thoái vốn, nhường sân cho người Thái và phần nào cho người Nhật, sẽ tiếp tục diễn biến ra sao và có mở đường “ngoại hóa” phần lớn ngành nhựa hay không, tác động như thế nào đến tương lai dài hạn của ngành sản xuất này, điều đó chưa hề có thống kê hay dự báo ngành cụ thể.

Lê Mỹ