Dự án lọc dầu 3,2 tỷ USD lại “đổi hướng”
Thay vì tiếp tục theo đuổi một dự án có công suất 8 triệu tấn dầu thô mỗi năm và tổng vốn đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD, nhà đầu tư có nguồn gốc từ Nga quyết định tiếp tục theo đuổi dự án với quy mô nhỏ hơn sau 10 năm trì hoãn.
UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Nguyên nhân chính quyền địa phương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư là do chủ đầu tư “quyết định chấm dứt hoạt động của dự án”.
Tự trả giấy chứng nhận…
Như vậy, dự án có tổng vốn 3,2 tỷ USD này chấm dứt là hoàn toàn do sự chủ động của phía chủ đầu tư. Nhưng thực tế, vài năm trở lại đây số phận của dự án này cũng đã là một dấu hỏi lớn với lãnh đạo tỉnh Phú Yên do tiến độ thực hiện bị chậm
Được cấp phép lần đầu từ cuối năm 2007, dự án Nhà máy lọc dầu Vũng rô có tổng vốn ban đầu là 1,7 tỷ USD và do Vũng Rô Petroleum thuộc Technostar Management Limited tại Anh đăng ký đầu tư. Dự án có diện tích đất sử dụng là 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng cảng Bãi Gốc 134 ha. Ngoài ra, Vũng Rô Petroleum cũng được phê duyệt sử dụng từ 500 ha đến 1.300 ha diện tích mặt nước. Sau một vài lần điều chỉnh kế hoạch đầu tư, Vũng Rô Petroleum đã tăng vốn dự án lên 3,2 tỷ USD và tăng công suất thiết kế của nhà máy từ 4 triệu tấn dầu thô lên 8 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Với quy mô lớn như vậy, dự án lọc dầu Vũng Rô đã từng mang lại nhiều kỳ vọng trở thành một động lực thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Phú Yên giống như dự án lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi.
Theo cam kết ban đầu, nhà đầu tư sẽ hoàn tất quá trình xây dựng giai đoạn 1 và bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Tuy nhiên sau 10 năm được cấp phép, việc xây dựng nhà máy vẫn chưa được tiến hành.
Một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ là do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Cho đến nay, chính quyền địa phương mới chỉ hoàn tất giao phần diện tích xây cảng Bãi Gốc, trong khi diện tích xây dựng nhà máy chưa được giao hết. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2015-2016 và khủng hoảng kinh tế nước Nga năm 2015-2016. Dù có trụ sở chính là tại Anh, nhưng Technostar Management Limited lại do một nhóm nhà đầu tư từ Nga lập ra để đầu tư vào Việt Nam, nên có thể hiểu nguồn vốn đầu tư vào lọc dầu Vũng Rô đến từ Nga. Vì vậy, khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng do chịu sự trừng phạt kinh tế từ EU, đồng rúp Nga mất giá khiến chi phí đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Nga lớn hơn rất nhiều lần và làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên cao hơn. Do đó, bài toán tài chính của dự án này cũng thay đổi và không thể đáp ứng được cam kết tiến độ ban đầu. Chính vì lẽ đó, việc tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án của Vũng Rô Petroleum cũng là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.
Sang trang mới?
Tuy nhiên, Vũng Rô Petroleum cho biết công ty này sẽ không từ bỏ giấc mơ xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Phú Yên. Trong thông cáo mới nhất được đưa ra, công ty này khẳng định sẽ phát triển một dự án mới theo các phân kỳ hợp lý hơn với tình hình kinh tế.
Cụ thể, Vũng Rô Petroleum cho biết, trong năm qua đã rà soát toàn diện và điều chỉnh kế hoạch triển khai của công ty nhằm ứng phó trước những điều kiện thị trường đang thay đổi, cũng như những triển vọng phát triển dài hạn mới do ảnh hưởng của các quy định về môi trường. Sự điều chỉnh này cũng liên quan tới sự tiến bộ nhanh chóng trong việc sử dụng các nguồn năng lượng khác trong lĩnh vực giao thông vận tải.
“Công ty đã điều chỉnh chiến lược cung ứng dầu thô, cấu hình lọc hóa dầu và các sản phẩm đầu ra của công ty để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường Việt Nam và khu vực trong tương lai,” Vũng Rô Petroleum cho biết và đưa ra ví dụ về việc nhà đầu tư này sẽ giảm sản lượng dầu diesel cho ô tô, và thay vào đó sẽ dành một phần năng lực lọc hóa dầu của công ty để sản xuất nhiên liệu hàng hải có hàm lượng lưu huỳnh thấp và bitum chất lượng cao. Hiện tại công ty đã hoàn trả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hành và đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho nhà máy công suất 1 triệu tấn một năm của phân kỳ một cho các cơ quan có thẩm quyền.
“Mục đích của các biện pháp đã được thực thi trong giai đoạn nêu trên là nhằm tăng cường mạnh mẽ tính hấp dẫn về đầu tư của dự án phù hợp với kỳ vọng của các cổ đông công ty,” Vũng Rô Petroleum đưa ra lời giải thích.
Tuy nhiên, việc chấm dứt dự án cũ và xin cấp một dự án mới sẽ mang lại một chương mới cho kế hoạch đầu tư nhà máy lọc dầu tại Vũng Rô Petroleum hay không vẫn còn phải để thời gian trả lời. Vì thực tế, kế hoạch đầu tư trước đó đã được chủ đầu tư điều chỉnh nhiều lần trong 10 năm qua mà vẫn chưa thực hiện được.