Giật mình vì số doanh nghiệp thua lỗ
Có đến 48% doanh nghiệp tư nhân liên tục thua lỗ từ năm 2012 đến nay. Như vậy, tương đương với việc cứ 2 doanh nghiệp thành lập thì có gần 1 doanh nghiệp bị phá sản hay đóng cửa.
Đây là số liệu vừa được công bố tại báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Không bất ngờ 48% DN dừng cuộc chơi
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, con số này không bất ngờ bởi số liệu này đã được nhìn thấy trước từ cơ quan thuế. Nếu quan sát việc thu thuế hàng năm do ngành thuế công bố sẽ thấy có rất nhiều doanh nghiệp không nộp được thuế. Bên cạnh con số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng thì số rút ra khỏi thị trường vẫn cao. Năm nào tổng cục thống kê đưa ra công bố số doanh nghiệp mới ra nhập thị trường hay trở lại kinh doanh có tỉ lệ tăng, nhưng khoảng cách với doanh nghiệp rời thị trường vẫn không nhiều.
Bà Lan cảnh báo, việc chúng ta “háo hức” với đầu tư nước ngoài cũng là cần thiết, nhưng phải luôn nhớ đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đôi khi chỉ là con số trên GDP, chứ không đóng góp thực chất. Bởi GNI là chỉ số thu nhập nội địa đang có khoảng cách ngày càng lớn so với GDP. Cho nên chúng ta không được hưởng lợi bao nhiêu, tính cả phần nước ngoài vào thì sẽ làm cho GDP cao, nhưng thu nhập của nền kinh tế Việt Nam vẫn không tăng trưởng được bao nhiêu.
“Báo cáo đưa ra con số như vậy cũng là một cảnh báo tốt để nhà nước phải quan tâm hơn về việc tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp”, bà Lan nói.
Mặc dù, báo cáo đã đưa ra được những khó khăn của doanh nghiệp trong chi phí tuân thủ, trong đó đã định lượng được một số lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên nhiều chuyên ra đánh giá, chi phí tuân thủ nói chung vẫn còn rộng, nhiều thứ chưa tính ra được cụ thể như chi phí thu hải quan, thu thuế thì mất bao nhiêu…
Thực tế, hiện vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành cắt giảm từ 30 – 50%. Nếu giảm được số này thì chắc chắn chi phí tuân thủ của doanh nghiệp sẽ giảm đi rất đáng kể.
Để tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn là vấn đề tiếp tục phải tập trung. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ vấn đề này, trong lần gặp gỡ doanh nghiệp lần thứ 2, Thủ tướng đã đặt ngay vấn đề phải tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thuế và bảo hiểm là 2 rào cản chính
GS TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, có 4 rào cản lớn đang khiến doanh nghiệp Việt Nam khó lớn. Thứ nhất là vốn và chính sách tín dụng. Thứ hai, thị trường lao động. Thứ ba, tiếp cận cơ sở hạ tầng, đặc biệt logistics. Thứ tư, chi phí đối với doanh nghiệp trong nghĩa vụ của mình như nộp thuế, hải quan…
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh thì chia sẻ, những chuyện giảm các thủ tục hành chính không phải là vấn đề lớn. Rào cản lớn và rất nguy hiểm nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là Luật bảo hiểm mới, Luật này thực sự làm cho doanh nghiệp không thể có lãi. Trước đây đánh trên lương giờ đánh trên thu nhập thì các doanh nghiệp DNNVV quá “gay go”.
Thứ nữa là rào cản thuế, chính sách thuế hoàn toàn ưu đãi với các doanh nghiệp FDI từ thuế nhập khẩu đến VAT. Nhưng với các doanh nghiệp nội bán hàng cho nhau thì phải chịu tất cả các hình thức thuế, từ thuế VAT đến thuế thu nhập doanh nghiệp… Doanh nghiệp nào được gọi là ưu đãi thì lại bị “chơi” bằng cách không chịu thuế, tức là không được khấu trừ đầu vào, nhưng với FDI thuế xuất bằng 0%, dù không chịu thuế nhưng lại được khấu trừ.
“Chính sách thuế này đã nói suốt từ 15 năm nay nhưng đến nay vẫn không thấy có sự thay đổi. Chúng ta hay nói về cắt giảm thủ tục hành chính nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng không quan trọng bằng 2 rào cản chính là thuế và bảo hiểm. Thậm chí bây giờ còn hình sự hóa luật bảo hiểm”, ông Trinh cho biết.
Thu nhập của người lao động trong đó 34% là bảo hiểm y tế, chi phí công đoàn… tất cả “hầm bà làng” trong đấy thì người dân Việt Nam còn rất lâu mới đủ ăn. Từ những rào cản này dẫn đến hệ số co giãn của lao động chiếm đến 80%, hệ số co giãn của vốn chỉ còn 20%. Bây giờ doanh nghiệp lại phải chịu thêm áp lực từ luật bảo hiểm, tức là hệ số co giãn của vốn lại càng nhỏ hơn nữa. Như vậy doanh nghiệp làm sao có lãi?
“Tôi tin con số 48% doanh nghiệp không có lãi còn tăng nếu chính sách thuế và bảo hiểm không có sự điều chỉnh. Bộ Tài chính thuộc Chính phủ, và muốn có một Chính phủ kiến tạo thì bộ Tài chính phải thể hiện bằng cách thay đổi chính sách thuế. Vì sao các doanh nghiệp và người dân phải chịu tất cả các sắc thuế, trong khi lại ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI lớn như vậy để làm gì?”, ông Trinh đặt câu hỏi.