Kem Thủy Tạ tiếp tục "tan chảy"
Từng là tên tuổi một thời vang bóng nhưng đến nay doanh thu của Thủy Tạ "tan chảy" chỉ quanh mức 50 tỷ đồng mỗi năm, trong khi các đối thủ khác đã cán đích nghìn tỷ.
Công ty cổ phần Thủy Tạ (mã CK: TTJ) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2017, trong đó, doanh thu thuần chỉ đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, do hai mảng hoạt động chính là kem và kinh doanh nhà hàng đều giảm mạnh. Mảng kem ghi nhận hơn 47 tỷ doanh thu và 17,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 13% so với năm trước.Doanh thu mảng kinh doanh nhà hàng cũng giảm nhẹ còn gần 34 tỷ đồng. Sự sụt giảm của hai mảng hoạt động chính kéo theo lợi nhuận sau thuế còn chưa tới 6 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước.
Một thời vang bóng
Thương hiệu Kem Thủy Tạ ra đời từ năm 1945 gắn với nhà hàng Thủy Tạ bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - tiền thân của Công ty Thủy Tạ hiện tại. Sau khi Công ty Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958, thương hiệu này trở thành một mảng kinh doanh nòng cốt, bên cạnh những lĩnh vực khác như nhà hàng, cung cấp dịch vụ.
Khi mới thành lập, do điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân còn thấp, Thủy Tạ tập trung vào mảng kem giá rẻ với sản phẩm chính là kem đá và các hương vị truyến thống.
Đến những năm cuối thế kỷ 20, Thủy Tạ bắt đầu lên kế hoạch sản xuất kem theo hướng công nghiệp, với việc xây dựng nhà máy sản xuất một triệu lít mỗi năm trên dây chuyền của Italy.
Đây là tiền đề đưa Thủy Tạ trở thành một trong những doanh nghiệp giữ thị phần chi phối tại Hà Nội và khu vực phía bắc thời điểm đó.
Bên cạnh đó, Thủy Tạ còn sử hữu nhiều vị trí đắc địa như Nhà hàng cafe Thủy Tạ, và 3 nhà hàng đầu phố Lê Thái Tổ gồm Nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), Nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và Nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát).
Bước lùi của Thủy Tạ
Doanh thu của Kem Thủy Tạ trong những năm gần đây chỉ quanh ngưỡng 50 tỷ đồng mỗi năm và gần như không có sự tăng trưởng. Trong khi đó, những đối thủ của Thủy Tạ đã nhanh chóng đạt doanh số nghìn tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của công ty ở mức gần 66 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 71% với gần 47 tỷ đồng, tài sản dài hạn chỉ hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.
Dù đã gây dựng được thương hiệu và giữ thị phần lớn phía Bắc trong thời gian dài, tuy nhiên sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như kem Wall's của Unilever, và đặc biệt là 2 đối thủ lớn nhất hiện tại là Kido Foods và Vinamilk đã làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống như Tràng Tiền và Thủy Tạ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Euromonitor, ngành kem và món tráng miệng đông lạnh đang có sự dịch chuyển với phân khúc cao cấp đang trở thành xu hướng chính, đặc biệt khi có sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài như Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs và New Zealand Natural.
Tuy nhiên, đây lại không phải là thế mạnh của Thủy Tạ. Sức cạnh tranh của thương hiệu này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Thị trường cũng thu hẹp lại chỉ còn khu vực Hà Nội. Theo Euromonitor, thị phần của Thủy Tạ đã giảm xuống dưới 5%, chỉ tương đương với thị phần của Kem Tràng Tiền.
Bên cạnh đó, điểm yếu dễ nhận thấy nhất của Kem Thủy Tạ là công tác đầu tư cho hệ thống phân phối và quy mô sản phẩm còn rất hạn chế.
Mặc dù là thương hiệu kem lâu đời nhất Việt Nam nhưng kể từ khi thành lập đến nay, Thủy Tạ mới phát triển được gần 300 điểm bán hàng và chỉ có tại địa bàn Hà Nội, thị trường mở rộng sang một số tỉnh lân cận nhưng hầu như không đáng kể.
Số lượng chủng loại kem của Thủy Tạ theo giới thiệu công ty cũng chỉ gồm 10 loại kem hộp và 9 loại kem que, tập trung chủ yếu vào phân khúc sản phẩm vừa túi tiền, trong khi một số đối thủ khác như Kido Foods có khoảng 200 loại, Vinamilk có khoảng 50, còn Kem Wall's có trên 20 loại.
Trong báo cáo đánh giá mới nhất về mảng kem của Thuỷ Tạ, VCSC nhận định: "Trong vài năm qua, chúng tôi chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể của Thủy Tạ về bao bì sản phẩm, hương vị cũng như chiến lược makerting".
Theo công ty chứng khoán này, Thủy Tạ cần có sự thay đổi nhanh trong thời gian tới nếu muốn giữ vững vị thế tại thị trường phía Bắc, khi đối thủ lớn nhất Kido Foods đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh.
Với kinh nghiệm phát triển hệ thống và ưu thế từ chủng loại sản phẩm, khả năng bị đe dọa tại ngay thị trường trọng tâm Hà Nội của Thủy Tạ là hoàn toàn có thể.