Gia tăng “Chuỗi giá trị Traphaco”
Ông Trần Túc Mã, TGĐ Traphaco cho biết: “Tăng cường kiểm soát – Hiện thực mục tiêu” là thông điệp của Traphaco trong 2018, góp phần kiểm soát rủi ro, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, giữ tăng trưởng.
Theo ông Trần Túc Mã: Năm 2018 là năm quan trọng trong chiến lược phát triển của Traphaco, đòi hỏi phải có các giải pháp mới để tối ưu hoá các mục tiêu tổng quát của “Chiến lược phát triển bền vững Traphaco 2020”.
- Với thông điệp “Tăng cường kiểm soát – Hiện thực mục tiêu”, ông đặt mục tiêu và kỳ vọng gì trong năm 2018?
Traphaco là một trong số ít doanh nghiệp ngành dược Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Khi tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài sẽ phát sinh hàng loạt các bất hợp lý, rủi ro, đó là tính tất yếu của quá trình phát triển.
Chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của quản trị rủi ro với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi vậy, tăng cường kiểm soát sẽ kịp thời phát hiện rủi ro, hạn chế được các tác động không lường trước và có khả năng triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời.
Mục tiêu năm 2020, Traphaco trở thành doanh nghiệp số 1 thị trường dược Việt Nam về tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa thị trường, và là thương hiệu Xanh hàng đầu Việt Nam.
Mặt khác, khi các mục tiêu đòi hỏi ngày một cao cao thì việc phối hợp giữa các bộ phận để thực hiện mục tiêu rất quan trọng, làm sao phải tối ưu hoá được các nguồn lực trong một chu trình. Một bộ phận chạy nhanh quá, một bộ phận chạy chậm quá cũng không được, phải nhịp nhàng, hợp lý. Qua đó, kiểm soát được tốc độ, hiệu quả của các mảng công việc.
- Quá trình chuyển các mục tiêu từ lãnh đạo xuống các bộ phận có số lượng nhiều và đa dạng là việc làm phức tạp, mất nhiều thời gian. Việc phối hợp các mục tiêu cá nhân để ăn nhịp với các hoạt động của doanh nghiệp cần phải có các công cụ hỗ trợ. Xin ông cho biết Traphaco sử dụng công cụ nào để đánh giá và kiểm soát?
Hiện nay, tại Traphaco, chúng tôi quản trị công ty trên nền ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp giữa DMS-ERP, áp dụng chỉ số KPI cùng các phần mềm khác đang trên lộ trình tích hợp với ERP.
Một trong những điểm khó khăn nhất vẫn là kết nối những mục tiêu cá nhân với mục đích chung của doanh nghiệp. Vì vậy, từ mục tiêu tổng thể đến các mục tiêu thành phần, mục tiêu bộ phận đều được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi bước đều có hệ thống kiểm soát về thời gian, cách thức, nội dung, kết quả, người chịu trách nhiệm…
Ngày trước, công ty chỉ kiểm soát điểm đầu điểm cuối, nhưng bây giờ là kiểm soát cả quá trình và có người theo dõi chuyên trách.
Điều này tránh được tình trạng “tam sao thất bản”, kiểm soát tốt thực hiện kế hoạch. Bởi thực tế, có rất nhiều trường hợp, khi giao việc qua nhiều cấp, đến người trực tiếp thực hiện không còn thể hiện được tinh thần mong muốn của người lãnh đạo. Một ưu điểm nữa là kiểm soát quá trình sẽ cảnh báo được rủi ro, hạn chế tác động sai lệch của con người, tạo sự minh bạch rõ ràng.
Về lâu dài, đây là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, hiệu quả công việc. Đồng thời là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp nhà lãnh đạo đo lường chính xác hiệu suất làm việc của nhân viên. Nhất là trong bối cảnh mặt bằng chung năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp.
Tuy nhiên, trước hết người lãnh đạo phải có tư duy dám đổi mới, dám hành động. Bởi khi thiết lập được một quy trình kiểm soát tự động và tối ưu thì người lãnh đạo sẽ rất dễ có cảm giác bị “mất quyền”.
- Hằng năm, Traphaco đều phát động chương trình thi đua, điều đó có tác động như thế nào đến hiệu quả công việc, thưa ông?
Mỗi năm, chúng tôi đều có chương trình thi đua với chủ để, thông điệp hành động cụ thể. Qua đó, thiết lập nền tảng và được duy trì thực hiện trong những năm tiếp theo. Năm 2017, với thông điệp “Hiệu quả công việc”, đã có 311 chương trình tham gia, trong số đó có 257 chương trình được báo cáo và 20 chương trình đoạt giải. Năm nay, cũng đã có 255 chương trình thi đua được phê duyệt thực hiện.
Điều đặc biệt, thông qua các chương trình thi đua này, thay vì được giao chỉ tiêu, chính nhân viên chủ động thiết kế mục tiêu, gắn kết trách nhiệm cá nhân với sự phát triển của công ty. Họ cũng sẽ nhận ra vai trò của mình một cách rất cụ thể. Bên cạnh hiệu quả công việc cao hơn thì mức hài lòng của nhân viên với công việc cũng đi lên.
Chính vì vậy, năm 2017, doanh thu hợp nhất của Traphaco thực hiện là 1.9231.870 tỷ đồng. Sau khi đã giảm trừ chiết khấu thương mại và tính doanh thu từ hợp đồng hợp tác nhập khẩu, mức tăng trưởng thực tế là 11% so với năm 2016, đạt 96% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất & phân phối độc quyền đạt 100% so với kế hoạch, tăng 11% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ ước đạt 225 241 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch, tăng 814% so với năm 2016.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận nhất chính là việc hoàn thành Dự án Nhà máy Dược Việt Nam đúng tiến độ, chính thức đi vào vận hành thương mại. Những lô sản phẩm đầu tiên đã chính thức được xuất xưởng.
Cũng trong năm 2017, Traphaco thành lập thêm 4 chi nhánh (Thái Nguyên, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang) nâng tổng số lên 24 chi nhánh trên toàn quốc. Công ty nâng số lượng nhà thuốc bán lẻ lên 26.000, tăng 3.000 nhà thuốc so với năm 2016.
Qua đó, Công ty đã gia tăng hiệu quả chuỗi giá trị của Traphaco, giữ vững thương hiệu uy tín số 1 ngành Dược Việt Nam.
- Vậy mục tiêu cụ thể của Traphaco trong năm 2018?
Năm 2018, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 300 đồng. Vốn hoá thị trường 6.000 tỷ đồng. Công ty cũng sẽ đột phá thị trường miền Nam, phát triển 8 sản phẩm mới. Đồng thời, thành lập 4 chi nhánh mới. Và với việc “Tăng cường kiểm soát – Hiện thực mục tiêu” năng suất lao động sẽ tăng ít nhất 5% so với 2017.
Về lâu dài, chiến lược “Con đường sức khoẻ Xanh”, đa dạng hoá sản phẩm “đồng tâm” với gốc là dược phẩm, hướng tới mục tiêu năm 2020, Traphaco trở thành doanh nghiệp số 1 thị trường dược Việt Nam về tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa thị trường, và là thương hiệu Xanh hàng đầu Việt Nam.
- Cảm ơn ông!