"Cơn ác mộng" của HAGL

Nha Trang 02/04/2018 06:30

Sau kiểm toán, lãi ròng của HAGL giảm từ 629 tỷ xuống còn 70 tỷ đồng, còn lãi ròng của HAGL Agrico giảm 400 tỷ xuống 527 tỷ đồng.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty con phụ trách mảng nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán E&Y. Với việc điều chỉnh lớn tại nhiều chỉ tiêu quan trọng, lợi nhuận năm 2017 của cả 2 công ty này đều giảm đáng kể so với số liệu do công ty tự lập.

Lợi nhuận tụt dốc sau kiểm toán

Đối với HAGL, sau kiểm toán, hầu hết các khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh của HAGL đều có sự thay đổi. Lợi nhuận trước thuế giảm 626 tỷ đồng từ 1.056 tỷ xuống 430 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 559 tỷ từ 629 tỷ xuống 70 tỷ đồng.

Khoản chi phí tài chính tăng đến 14% lên 1.698 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con hơn 130 tỷ đồng; thuế nhà thầu tại nhóm Công ty Lào, Campuchia tăng gần 13 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán tăng 9% do tăng chi phí phải trả gần 61 tỷ đồng.

HAGL giải trình các khoản chênh lệch nêu trên là sai sót kế toán, do thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán và do lượng nghiệp vụ quá nhiều trong khi nhân viên phải cố gắng hoàn thành báo cáo tài chính quý trong quỹ thời gian cho phép là 30 ngày.

Đáng chú ý, chi phí khác tăng đến 72% chủ yếu do dự phòng thanh lý Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 hơn 134 tỷ đồng; tăng chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào hơn 50 tỷ đồng; tăng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái gần 91 tỷ đồng cùng chi phí thanh lý tài sản tăng gần 10 tỷ đồng.

Còn đối với HAGL Agrico, lợi nhuận trước thuế giảm 509 tỷ xuống 441 tỷ và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 399 tỷ xuống 527 tỷ đồng.

HAGL giải trình chi phí tài chính tăng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con hơn 114 tỷ đồng. Chi phí chăm sóc vườn cây cao su tăng hơn 85 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Kiểm toán cũng đề nghị HAGL điều chỉnh giảm lợi nhuận chưa thực hiện của các công ty nội bộ và công ty liên kết hơn 79 tỷ đồng, tăng chi phí khác do chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào lên 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau kiểm toán chi phí trích trước phải trả tăng gần 50 tỷ đồng, trích dự phòng các khoản phải thu, lỗ từ công ty liên kết... hơn 9 tỷ đồng.

Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Trong báo cáo kiểm toán, Kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi của tổng khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền gần 4.024 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho Tập đoàn.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn khi vốn lưu động âm 3.563 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.

Phía HAGL cho biết, hiện Công ty đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư mạnh vào mảng cây ăn trái và tham gia vào chuỗi giá toàn cầu bằng các kênh xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường lớn. Bên cạnh đó, HAGL cũng củng cố mảng cao su, thanh lý mảng thủy điện, đàm phán với đối tác để bán dự án Myanmar.

Ngoài ra, Công ty cũng đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản. Tập đoàn đang bàn bạc với các ngân hàng có liên quan để điều chỉnh các điều khoản ràng buộc trong các hợp đồng tín dụng không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Về phía HAGL Agrico, trong báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên cũng có nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty, dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn, tức vốn lưu động âm 2.185 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.

Phía HNG giải trình tương tự công ty mẹ, rằng Công ty đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư mạnh vào mảng cây ăn trái và tham gia vào chuỗi giá toàn cầu bằng các kênh xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường lớn, củng cố mảng cao su.

Như đã công bố từ giữa năm 2017, trong năm HAGL và HAGL Agrico đã tiến hành hồi tố kết quả kinh doanh năm 2016 do liên quan đến giao dịch bán lại công ty mía đường HAGL Sugar. Việc hồi tố này dẫn đến việc HAGL Agrico và HAGL phát sinh khoản doanh thu tài chính lớn trong năm 2017 nhưng điều chỉnh hồi tố lỗ vào kết quả 2016.

Nha Trang