Ngành cơ khí đi tìm lại giá trị cốt lõi Kỳ I: Cơ khí Hải Phòng- vang bóng một thời
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Như vậy, trong tương lai gần ngành cơ khí sẽ có hẳn “kịch bản” phát triển thay vì mạnh ai nấy làm như vừa qua.
Hải Phòng từng được xem như là “thủ đô” của ngành cơ khí miền Bắc XHCN. Nhà máy cơ khí Duyên Hải thành lập từ năm 1955, là một “cánh chim đầu đàn” của nền công nghiệp nước nhà - “cờ Ba Nhất, gió Đại Phong, sóng Duyên Hải”.
Hết thời oanh liệt, đi làm… bông ngoáy tai
Duyên Hải nổi tiếng với sản phẩm máy tàu thủy. Sản phẩm này là niềm tự hào của những người thợ cơ khí Hải Phòng vì được sản xuất hoàn chỉnh từ đúc phôi đến cỗ máy tàu. Duyên Hải có hai cơ sở sản xuất lớn. Một tại phố Trần Quang Khải thì nay đang xây dựng khách sạn 5 sao của Tập đoàn BRG. Một tại phường Máy Tơ thì nay thành khu nhà ở cao cấp. Còn Nhà máy cơ khí Duyên Hải nay là Cty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Duyên Hải đóng tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng giờ không còn mấy ai biết.
Một “anh cả đỏ” của ngành công nghiệp địa phương Hải Phòng là Xí nghiệp Cơ khí Kiến Thiết sau đổi tên thành Công ty CP Cơ khí chế tạo Hải Phòng, chuyên sản xuất “máy cái”. Sau chuyển đổi sang cơ chế thị trường, Công ty này đã phải đi làm bông ngoáy tai để tồn tại.
Ông Đỗ Quang Thịnh, nguyên GĐ sở Công nghiệp Hải Phòng nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ trước, Hải Phòng nổi lên với ngành cơ khí đóng tàu. Dù chưa bùng nổ như giai đoạn sau nhưng cơ khí đóng tàu Hải Phòng vẫn được xem là số 1 cả nước khi đó. Rồi khi ngành cơ khí ô tô còn chưa định hình, Hải Phòng đã nổi lên với ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp như: Cơ khí Hoa Mai, Cơ khí Chiến Thắng...
Thời của sự “ăn đong”…
Sau những năm 90 thế kỷ trước, bức tranh cơ khí của Hải Phòng cứ mờ nhạt dần trong nhịp đập sôi động của nền kinh tế thị trường. Một mặt, công nghệ chế tạo cơ khí lạc hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với các nước trong khu vực nhưng không được quan tâm đầu tư nên càng tụt hậu. Thêm nữa, Hải Phòng có vô vàn lĩnh vực phát triển kinh tế “màu mỡ” như: vận tải biển, khai thác, dịch vụ,... mà giá trị kinh tế mang lại hấp dẫn hơn nhiều so với cơ khí. Vậy là cơ khí Hải Phòng như đứa con hoang, phát triển thiếu định hướng. Các “ông lớn” trong ngành cơ khí Hải Phòng một thời lừng lẫy dần biến mất khỏi bản đồ cơ khí trong nước.
Không được quan tâm, sản phẩm cơ khí của Hải Phòng không cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài. Thêm tâm lý “ăn đong” từ nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài nên cơ khí chế tạo của Hải Phòng rơi vào trạng thái... ngại chế tạo. Cơ khí trong nước nói chung và Hải Phòng nói riêng gần như không còn sản phẩm chế tạo thế mạnh.
Thiếu tự túc, ngành cơ khí Hải Phòng mất đi sản phẩm then chốt mà phát triển sang một hướng khác là chế tạo các thiết bị siêu trường siêu trọng, cơ khí gia công lắp ráp mà nổi bật nhất là cơ khí đóng tàu. Thế nhưng ngành đóng tàu sóng gió cũng nhấn chìm luôn cả lĩnh vực cơ khí gia công vốn chỉ lấy công làm lãi.
Việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được nhiều người kỳ vọng, ngành cơ khí Hải Phòng sẽ đi tìm lại một ngành sản xuất tạo nên giá trị cốt lõi cho sự phồn thịnh của thành phố cảng.