Vì sao “Tân Tiến” trả cổ tức “lạc hậu”?

Quang Minh (tổng hợp) 08/04/2018 06:00

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vào ngày 13/4/2018 tới đây, Hội đồng quản trị của CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến - Tapack (mã TTP) dự trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2017 là 5% bằng tiền.

Ngày 13/04/2018 tới đây CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến - Tapack (mã TTP) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Trong đó, Hội đồng quản trị của Tapack - TTP dự trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2017 là 5% bằng tiền. 

Đây là mức chia trả cổ tức bằng năm 2016, tương đương dành 6,8 tỷ đồng, chưa đến 10% lợi nhuận để chi trả cổ tức.

Nếu mức cổ tức này được ĐHĐCĐ thông qua, đây là năm thứ 5 TTP chia trả cổ tức tỷ lệ 5%, kể từ năm 2013, dù cho tình hình kinh doanh tích cực hơn từ năm 2015.

abc

Nguồn: Bizlive

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông, năm 2017 là năm thứ 2 dưới sự quản lý của Tập đoàn Dongwon System (Hàn Quốc), TTP đã có những phản hồi tích cực của khách hàng về chất lượng, dịch vụ cũng như môi trường sản xuất đã thay đổi đáng kể.

TTP đã đối mặt với sự cạnh tranh của các đối thủ có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang mở rộng sản xuất ở thị trường Việt Nam như Batico (SCG Thái Lan), Huhtamaki (Phần Lan), DNP (Nhật), Saigon Trapaco (Meiwa, Nhật Bản), Ngaimee (Malaysia). Các đối thủ trong nước cũng đầu tư mở rộng và giá nguyên vật liệu liên tục tăng, nhưng cạnh tranh giá tăng rất ít.

Doanh thu năm 2017 của TTP đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 3,9%; lợi nhuận trước thuế 92 tỷ đồng, giảm 31%; lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng, giảm gần 32%.

Dù vậy, kết quả kinh doanh năm 2017 vẫn gấp 2,17 lần so với năm 2014 – khi Tập đoàn  TTP Dongwon System chưa nắm quyền kiểm soát tại TTP.

Được biết, tháng 10/2015, Tập đoàn Dongwon System, một doanh nghiệp Hàn Quốc chính thức nắm quyền kiểm soát tại TTP. Hiện tại, Dongwon System đang nắm giữ hơn 90% vốn tại TTP.

Tháng 3/2017, CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến được đăng ký giao dịch toàn bộ gần 15 triệu cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán TTP, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (15/3/2017) là 47.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 15/10/2016, toàn bộ gần 15 triệu cổ phiếu TTP của Bao bì Nhựa Tân Tiến đã hủy niêm yết tự nguyện trên HoSE với lý do để công ty tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tập trung phát triển doanh nghiệp.

Năm 2016, Nhựa Tân Tiến đạt 1.405 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ bằng năm 2015, trong khi đó lợi nhuận sau thuế thu về trên 105,5 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ.

Hiện Bao bì Nhựa Tân Tiến có Chủ tịch HĐQT là ông Cho Jum Hun, người Hàn Quốc, cũng là Giám đốc điều hành của công ty mẹ Dongwon Systems Corporations. Cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 1 thành viên HĐQT khác (đều là người Hàn Quốc) là Thành viên HĐQT không điều hành công ty. Việc điều hành được giao cho 2 thành viên HĐQT điều hành khác là ông Jo Jeong Kook và ông Lee SeHoon.

Năm 2018, TTP dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 1.818 tỷ đồng, tăng trưởng 25%; lợi nhuận trước thuế 182 tỷ đồng, tăng 97,8%. Được biết, từ tháng 3/2018, TTP đã đưa nhà máy tại Bắc Ninh đi vào hoạt động.

TTP là doanh nghiệp sản xuất bao bì, trong đó, mảng bao bì dành cho ngành hàng thực phẩm chiếm gần 50% tổng doanh thu; bao bì dành cho mảnh chăm sóc cá nhân và gia đình đóng góp 35% tổng doanh thu; Doanh thu từ mảng bào bì dành cho ngành cà phê chiếm gần 10% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ mảng hàng dành cho nông nghiệp và các hoạt động khác.

Khách hàng chủ lực của TTP gồm: Unilever Việt Nam, Vinamilk, Ajinomoto, Vedan, Miwon, Acecook, Trung Nguyên, Kinh Đô, Bayer Việt Nam…

Quang Minh (tổng hợp)