Chiến lược nào cho doanh nghiệp khi lấn sân lĩnh vực mới?
Organic hay M&A sẽ là hướng đi phù hợp hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình (DNGĐ)?
Organic là việc một doanh nghiệp phát triển theo hướng tự thân. Ngược lại, M&A là mua lại một doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng hoạt động.
Organic hay M&A?
Năm 1989, Sony quyết định bước vào địa hạt phim ảnh thông qua M&A khi mua lại hãng phim danh tiếng Columbia với giá 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hoá và cách điều hành mà bước đi này đã khiến Sony thiệt hại 3,2 tỷ USD.
Năm 2000, Vivendi chi 100 tỷ USD để tham gia thị trường truyền thông và sản xuất đồ uống có cồn. Do không am hiểu thị trường mà chỉ trong 2 năm đã thiệt hại 23 tỷ USD. Ngoài ra, Bank Of America cũng lấn sân sang thị trường bất động sản bằng M&A năm 2008 và gặp “trái đắng” tương tự khi thiệt hại lên tới 47 tỷ USD.
Những ví dụ trên cho thấy rủi ro của một doanh nghiệp khi bước vào lĩnh vực mới thông qua M&A. Những yếu tố về am hiểu thị trường, chuyên môn, hoà hợp về văn hoá, cách giữ chân nhân sự ... là những rào cản khiến các thương vụ này thất bại.
Tuy nhiên những thành công của Starbucks mua lại Hear Music, Coca-Cola mua lại Odwalla, hay ngay tại Việt Nam, các thương vụ của Vingroup, của Kinh Đô,… lại là minh chứng ngược lại.
Vậy Organic hay M&A là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNGĐ sẽ được đề cập tại Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề: “DNGĐ– Tăng trưởng Organic hay M&A”, được phát sóng vào 10h chủ nhật ngày 08/04/2018. Ông Trần Hữu Đoàn - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Tư vấn & Giáo dục Gia Cát trong vai trò CEO.
Quan điểm trái chiều
Một DNGĐ chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc có bề dày hơn 20 năm, đã tự xây dựng được hệ thống phân phối trên cả nước. Đến nay khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, các thành viên HĐQT thống nhất mở rộng sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực tiềm năng như : Vắc xin, thuốc thú y,...
Tuy nhiên về phương pháp mở rộng và đầu tư, mỗi thành viên HĐQT lại đưa ra một ý kiến khác nhau. Khi CEO cho rằng doanh nghiệp nên mua lại một số Cty thuộc các lĩnh vực có nhu cầu mở rộng để nắm bắt các cơ hội kịp thời và chiếm lĩnh thị trường, thì các cổ đông lại cho rằng, doanh nghiệp nên dựa vào nguồn lực sẵn có trong 20 năm qua để từng bước mở rộng và phát triển.
Theo dõi cuộc tranh biện giữa CEO và các cổ đông, nhiều khán giả trên Fanpage CEO – Chìa khóa thành công đã ủng hộ quan điểm của CEO.
Bạn Yến Mai cho rằng: “M&A sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa về thời gian, kịp thời có sản phẩm bán ra thị trường”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại ủng hộ quan điểm của các cổ đông, trong đó bạn Hữu Ngọc chia sẻ: “Doanh nghiệp đã có đầu ra, việc phát triển tự thân sẽ giúp HĐQT có thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực mới, từ đó sẽ xây dựng và quản trị hiệu quả hơn.”