Cơ hội nào cho Saigon Co.op?

Tiến Minh 10/04/2018 16:04

Saigon Co.op sẽ bung ra 170 cửa hàng thực phẩm và 150 cửa hàng tạp hóa thể hiện quyết tâm giành lại vị thế người dẫn đầu ngành bán lẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn chờ đợi đại gia này phía trước.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh năm 2018, Saigon Co.op cho biết năm 2018 Saigon Co.op sẽ đặt vào trọng tâm chính là 2 mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food và mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile.

Tham vọng của "cựu binh"

Trong đó Co.op Food sẽ chuyên doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Thế mạnh của Co.op Food có ưu thế nhỏ gọn (diện tích khoảng 150-200m2) đã len lỏi sâu vào các cụm dân cư khắp khu vực trung tâm đô thị các tỉnh thành phía Nam.

Song song với chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Saigon Co.op còn triển khai mở rộng chuỗi tạp hóa Co.op Smile với kế hoạch mở mới lên tới 150 cửa hàng trong năm 2018.

Ngoài ra, các chuỗi bán lẻ khác của Liên hiệp này đều có chỉ tiêu mở mới như Co.opmart (19 siêu thị), Co.opXtra (2 đại siêu thị), cửa hàng tiện lợi Cheers (50 cửa hàng), và thêm 1 Co.opmart phân khúc cao (Finelife).

Cùng với việc phát triển hệ thống, mở rộng thị trường, nhà bán lẻ này cũng chú trọng tối ưu hóa quy trình kinh doanh mới: Hoàn thiện chuỗi cung ứng, đáp ứng tốt dịch vụ giao nhận của các mô hình kinh doanh hiện tại và trong chiến lược phát triển, đồng thời tổ chức thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặt mục tiêu doanh số tăng trưởng 10% so với năm 2017.

Năm 2017, Saigon Co.op đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng. Năm 2016, con số này là 28.000 tỷ đồng.

năm 2018 Saigon Co.op sẽ đặt vào trọng tâm chính là 2 mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food và mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile.

Năm 2018 Saigon Co.op sẽ đặt vào trọng tâm chính là 2 mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food và mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile.

Bài toán nan giải

Có thể thấy, trong tương lai, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn… Từ đây, các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đưa ra được phương án bán lẻ độc đáo, các đối sách cạnh tranh, chiến lược cụ thể phù hợp với người tiêu dùng, bảo đảm cho người tiêu dùng được trải nghiệm mua sắm toàn diện, tiện lợi, phù hợp.

Về mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi mà Co.op Food theo đuổi, mặc dù đơn vị đã có chỗ đứng trên thị trường phía Nam tuy nhiên ở phía Bắc thì vẫn chưa thể chạy đua với các đối thủ như VinMart+, AEON,…

Bà Nina Nguyễn Yến Nhàn, nhà huấn luyện của tổ chức Huấn luyện ActionCoach Hà Nội West nhận định, đối với một ngành kinh doanh đặc thù như thực phẩm sạch, nguồn hàng là yếu tố tối quan trọng. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo một nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng. Và để làm được điều đó, họ không thể chỉ đơn thuần là những con buôn đến thu mua rau, lợn, gà… của bà con nông dân, bởi điều đó không thể tạo ra sự gắn kết lâu dài giữa người sản xuất trực tiếp với nhà phân phối, cũng như sẽ không thể tạo ra sự minh bạch thông tin trong suốt quá trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, sự tồn tại của chợ truyền thống tại Việt Nam vẫn còn đó, và tâm lý người tiêu dùng chưa quen với việc bước vào một cửa hàng có máy lạnh, wifi free và dịch vụ bán hàng chuyên nghiệp để mua những sản phẩm thiết yếu thường ngày. 

Còn đối với Co.op Smile, mô hình mà hệ thống này theo đuổi cũng gắn với những khó khăn liên quan tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là một trong những kênh mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Việt. 

Tiến Minh