PVN xin một loạt cơ chế đặc thù
Để thực hiện quá trình tái cơ cấu sau đại án và thua lỗ, PVN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét và trình cấp thẩm quyền một loạt cơ chế đặc thù.
Cụ thể, thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí trong nước, có tính đến ưu tiên các vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, các mỏ nhỏ, mỏ có điều kiện kinh tế cận biên…
Giữ lại 32% lãi dầu khí và 50% tiền từ cổ phần hóa
Ngoài ra, PVN xin Chính phủ cho hưởng một số quy định như được giữ lại 32% lãi dầu khí nước chủ nhà từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí và xem xét bổ sung quy định tiền lãi dầu khí để lại cho PVN hàng năm không bao gồm nguồn kinh phí mà PVN chi các nhiệm vụ đặc biệt; 100% lợi nhuận từ hoạt động hàng năm của liên danh Việt – Nga Vietsovpetro.
Được giữ lại 50% tiền cổ phần hóa/thoái vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, được tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm, được mở rộng phân cấp phân quyền trong đầu tư dầu khí. Đồng thời xin trích 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước để lập quỹ tìm kiếm thăm dò.
Bên cạnh đó, PVN cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục đứng ra bảo lãnh các khoản vay để thực hiện dự án nhà máy điện, giúp PVN tiếp cận nguồn vay chi phí thấp. Đồng thời PVN cũng xin trích 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước để lập quỹ tìm kiếm thăm dò và cơ chế trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế …
Đối với lĩnh vực nhiên liệu sinh học, PVN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp nghiên cứu quy hoạch phát triển và nâng cao chất lượng đầu vào để ổn định nguồn nguyên liệu nhà máy, giảm bơt gành nặng thu xếp, lãi vay ốn, chi phí lưu kho…
Với những kiến nghị trên, tập đoàn này tính toán cùng việc phát hành thêm 500 triệu USD trái phiếu vào 2020, bán bớt một nhà máy nhiệt điện than, dòng tiền tích lũy của PVN được cân đối và bảo đảm an toàn.
Một số chuyên gia đánh giá đây là cuộc "đại cải tổ" ở PVN sau khi hàng loạt lãnh đạo tập đoàn này vướng vòng lao lý khi vừa bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi gây thiệt hại 800 tỉ góp vốn tại OceanBank. Bên cạnh đó là hàng loạt công ty con thua lỗ khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải treo hơn 4.000 tỷ đồng. Nhưng đó chưa phải bi kịch đáng lo ngại nhất ở PVN.
PVN rót lượng vốn khổng lồ vào hệ thống công ty con. Tuy nhiên, nhiều công ty con sau một khoảng thời gian hoạt động đã trở nên "què quặt" khiến PVN hao tốn hàng ngàn tỷ đồng. Không chỉ vậy, PVN phải chứng kiến "đàn cháu" bi đát không kém "đàn con".
Đơn cử, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), công ty do PVN nắm hơn 54% vốn có danh sách các công ty con thua lỗ dài dằng dặc.
Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí (PXI) có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. PVC là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 51% vốn PXI. Tuy nhiên, hiện tại, vốn hóa thị trường của PXI giảm 72% xuống chỉ còn 84 tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguồn vốn đầu tư của PVC rót vào PXI đã "bốc hơi" ít nhất 84%.
Điểm mặt những “con, cháu” bết bát của PVN
PXI giao dịch ở mức giá thấp hơn mệnh giá rất nhiều. Nguyên nhân là do trong nhiều quý gần đây công ty kinh doanh rất bết bát. Năm 2016, PXI thua lỗ 14,5 tỷ đồng. Sang năm 2017, tình hình tại PXI không được cải thiện, quý 1 và quý 2, PXI lần lượt thua lỗ 11 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng. Tính tới ngày 30/6/2017, lỗ lũy kế của công ty là 18,3 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) thậm chí còn bi đát hơn. Hồi đầu năm nay, PXM đã gửi báo cáo tiến trình giải thể/ phá sản của doanh nghiệp tới Thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Sau chuỗi ngày dài lao đao, tới năm 2015, tổng lỗ lũy kế của PXM lên đến 385 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, PXM đã báo lỗ trên 24 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty cũng bắt đầu ghi âm từ năm 2013, và đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu đã âm 232 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PXT) cũng là một trong những đứa con "què cụt" của PVC. PVC năm giữ tới 51% vốn tại PXT. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/7, PXT giảm 150 đồng/CP xuống 3.860 đồng/CP. Vốn hóa thị trường PXT giảm từ 200 tỷ đồng xuống chỉ còn 77,2 tỷ đồng.
Sau nhiều kỳ thua lỗ, tới cuối quý 2/2017, khoản lỗ lũy kế của PXT đạt tới 135 tỷ đồng, gần "ăn mòn" hết vốn góp chủ sở hữu.
Nhiều công ty con của PVC bê bết góp phần khiến PVC thua lỗ nặng. PVC khiến PVN khốn khổ trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả là PVN phải dành 546 tỷ đồng dự phòng vào PVC. Khoản đầu tư hợp lý tại PVC được đánh giá chỉ còn là 523 tỷ đồng.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) nhận nguồn vốn rất lớn từ PVN. Hiện tại, PVN đã rót 10.884 tỷ đồng vào PV Oil, Thế nhưng, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ còn là 10.411 tỷ đồng. Vì vậy, PVN phải chi 473 tỷ đồng cho dự phòng.
Cũng như PVC, PV Oil góp phần giúp danh sách "đàn cháu què cụt" của PVN trở nên dài hơn. Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Kiên Giang (PV Oil Kiên Giang) liên tục thua lỗ trong 2 năm gần đây. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt 621 tỷ đồng, giảm 39% và lỗ ròng gần 18 tỷ đồng, trước đó năm 2014, Công ty đã phải chịu lỗ 15 tỷ đồng.
Dù vậy, PV Oil Kiên Giang vẫn "có giá" hơn PXM hay PXT. Cuối tháng 3/2017, PV Oil Kiên Giang đã đấu giá thành công cổ phiếu với mức giá bình quân đạt 122.001 đồng/CP. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư quan tâm tới công ty rất ít. Chỉ 4 nhà đầu tư tham gia đấu giá và chỉ 4 nhà đầu tư trúng thầu.
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) là một trong những con cưng của PVN. PVN đã rót 29.315 tỷ đồng để nắm giữ 100% vốn BRS. BRS không quá bết bát như PVC hay PVtex nên PVN không phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của BRS không phải không có vấn đề khi tạo ra một "đứa cháu què cụt" cho PVN. Đó là Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung. Tỷ lệ cam kết góp vốn là 61% vốn điều lệ tại công ty này.
Sản xuất thua lỗ, sản phẩm tiêu thụ chậm, công ty có tổng vốn 1.900 tỷ đồng buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) hồi năm 2016.