DPM có tránh được “vết xe đổ” ở PVTex?
Nếu không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược phù hợp khi PVN thoái vốn, doanh nghiệp này sẽ khó vượt qua được những thách thức hiện nay, thậm chí có thể đi vào “vết xe đổ” ở PVTex.
Khoản đầu tư trái ngành thua lỗ của DPM ở PVTex đang được Thanh tra chính phủ xử lý. Đây là rủi ro tiềm ẩn của DPM bởi nếu PVTex tái khởi động, DPM với vai trò là cổ đông năm giữ 26% vốn chủ sở hữu của PVTex có thể sẽ phải gánh chịu chi phí phát sinh tương ứng.
Thách thức trong sản xuất, kinh doanh
Theo báo cáo tài chính quý 4/2017, lũy kế cả năm, doanh thu thuần của DPM đạt 7.995 tỷ đồng, tăng gần 0,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, hệ số giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của doanh nghiệp này lại tăng lên mức 73,5%, so với mức 69,7% năm 2016, cho thấy hiệu quả kinh doanh của DPM giảm sút. Điều đó được thể ở biên lợi nhuận gộp của DPM giảm xuống 26,4%, so với mức 30,2% năm 2016. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của DPM tăng lần lượt 9,1% và 27,8% so với năm 2016, chiếm tới 68,2% lợi nhuận gộp, cho thấy khoản mục chi phí này đang ở mức rất cao.
Kết thúc năm 2017, DPM đạt lợi nhuận sau thuế đạt hơn 707 đồng, giảm gần 40% so với năm 2016.
Tính đến 31/12/2017, nợ phải trả của DPM hơn 2.220 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 1.417 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến thời điểm nói trên ở mức 8.043 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu của DPM chỉ ở mức 27,6%, một mức khá thấp.
707
tỷ đồng là tổng số lợi nhuận của Tcty Phân bón và Hóa chất Dầu khí trong năm 2017, giảm gần 40% so với năm 2016.
Đáng lưu ý, dòng tiền lưu chuyển thuần trong kỳ của DPM luôn âm, trong đó riêng năm 2017 âm tới hơn 1.736 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do đầu tư mua sắm TSCĐ và các tài sản dài hạn khác, cũng như cho vay, mua công cụ nợ của các doanh nghiệp khác.
Hiện nay, DPM đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, như thay đổi điều kiện sản xuất nông nghiệp, biến động giá khí đầu (chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu), biến động tỷ giá do giá khí đầu vào từ GAS được tính theo tỷ giá USD, chi phí nợ xấu đối với các khoản bảo lãnh nợ cho PVTex. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang có xu hướng chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DPM trong dài hạn,…
Lợi thế doanh nghiệp đầu ngành
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận có sự suy giảm nhưng DPM vẫn giữ vững vị thế doanh nghiệp đầu ngành về quy mô doanh thu và cả lợi nhuận. Xét về lượng tiêu thụ, DPM cũng là doanh nghiệp đầu ngành khi năm 2016, DPM đã cung ứng ra thị trường đến gần 1,2 triệu tấn phân bón các loại. Mặc dù CTCP Supe Hóa chất và Phốt phát Lâm Thao (HNX: LAS) xếp thứ 2 với hơn 1,1 triệu tấn, nhưng doanh thu của LAS chỉ bằng 52% doanh thu của DPM.
Về độ phủ thị trường, DPM có 4 Cty con chuyên phân phối các sản phẩm của doanh nghiệp cùng hơn 30 kho trung chuyển có tổng sức chứa trên 250.000 tấn phân bố trên khắp cả nước. Hệ thống phân phối này sẽ giúp DPM tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Theo FPTS, do có lợi thế doanh nghiệp đầu ngành nên DPM có một số lợi thế hấp dẫn đối với các nhà cung cấp và khách hàng. Điển hình là số ngày phải thu bình quân 4 năm qua của DPM chỉ ở mức khoảng 4,5 ngày, mặc dù cao hơn CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), nhưng thấp hơn trung bình ngành là 29 ngày. Điều đó cho thấy, DPM ít bị khách hàng chiếm dụng vốn hơn so với trung bình ngành. “Sở dĩ DPM và DCM có lợi thế về số ngày phải thu so với các doanh nghiệp khác trong ngành do nguồn cung urea nội địa chủ yếu đến từ hai doanh nghiệp này”, FPTS nhấn mạnh và cho biết, số ngày phải trả trung bình 4 năm qua của DPM là 18 ngày, thấp hơn trung bình ngành 22 ngày nhưng vẫn cao hơn các doanh nghiệp lớn như BFC và SFG.
Nhà cung cấp lớn nhất hiện nay của DPM là Tcty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), nhưng GAS và DPM là Cty con của PVN và cũng là đối tác lâu năm. Mặc dù phụ thuộc rất lớn vào GAS, nhưng trong nhiều năm qua DPM chưa gặp phải rắc rối nào đến từ nhà cung cấp này. Ngoài ra, với việc PVN đang sở hữu gần 60% vốn tại DPM thì nguồn cung nguyên liệu của DPM vẫn đang được PVN đảm bảo nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hạn chế rủi ro xuất hiện PVTex thứ hai Sau nhiều lần thoái vốn, đến nay PVN còn nắm giữ 59,59% cổ phần của DPM. Ngoài ra, hiện nay có một số nhà đầu tư ngoại cũng đang nắm giữ cổ phần tại DPM, như Market Vector Vietnam ETF nắm giữ 4,51%, Dustches London 4,47%,… Đến cuối năm 2017, cơ cấu cổ đông của DPM đã có nhiều thay đổi khi các quỹ ngoại như Market Vector hay Deutche Bank AG đã giảm đáng kể tỷ trọng nắm giữ DPM. Thay vào đó là sự xuất hiện một số tổ chức khác như Edgbaston hay KWE BETEIGUGEN. Phần lớn các cổ đông tổ chức đều sở hữu cổ phần của DPM với mục đích đầu tư dài hạn, nên lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ của DPM không bị ảnh hưởng nhiều từ sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn. Mặc dù đến nay DPM chưa thông báo tìm đối tác chiến lược chuyển nhượng phần vốn của PVN, nhưng việc PVN ưu tiên chuyển nhượng vốn của mình tại DPM cho các cổ đông chiến lược Nhật Bản, Hàn Quốc,…, thì rất có thể những đối tác trong chiến lược hợp tác đầu tư nhà máy hóa chất của DPM sẽ là cổ đông chiến lược mới của doanh nghiệp này. Theo FPTS, việc PVN duy trì nắm giữ tối thiểu 30-51% vốn tại DPM và luôn quan tâm tới hiệu quả của khoản đầu tư tại DPM sẽ giúp doanh nghiệp này tránh bị thâu tóm và chi phối nguồn khí đầu vào để ổn định sản xuất kinh doanh. Mặc khác, việc hợp tác với cổ đông chiến lược có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn sẽ giúp DPM hạn chế được rủi ro xuất hiện PVTex thứ hai khi đầu tư vào các dự án mới. |