Tìm “lối tắt” giảm chi phí logistics
Được đánh giá là xương sống của logistics nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vẫn bị thờ ơ trong các doanh nghiệp logistics.
Một trong những nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp logistics trong nước có quy mô nhỏ. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, số doanh nghiệp logistics Việt Nam có tổng nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng chiếm tới 67%. Do đó các doanh nghiệp thường chú trọng tập trung vốn cho các hoạt động kinh doanh trực tiếp và coi nhẹ đầu tư CNTT.
Cần “nhìn xa trông rộng”
Có thể bạn quan tâm |
Chính vì lẽ đó, việc đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp. Đây cũng là lý do tại sao hạ tầng CNTT trong nước đi sau các nước phát triển cả thập kỷ. Theo khảo sát, có đến 70,8% doanh nghiệp sử dụng dưới 3% tổng ngân sách logistics cho CNTT. Thậm chí 32,3% doanh nghiệp sử dụng dưới 0,5% cho CNTT.
Bên cạnh đó, để phát huy được hiệu quả ứng dụng CNTT cần phải có sự “tương thích” cùng hạ tầng khác song song. Đặc biệt, về trình độ quản lý, so với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp, ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế, trình độ nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. “Việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghiên cứu ứng dụng CNTT, đủ khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại là một trong những yêu cầu cấp bách đối với mọi cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”, TS Hoàng Văn Lâm - Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết.
Để CNTT thực sự tạo “lối tắt” nhằm giảm chi phí logistics, doanh nghiệp cần nhanh chóng thúc đẩy và áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin và các dữ liệu điện tử trong thương mại, khai hải quan điện tử để tận dụng ưu thế của CNTT nhằm mang lại năng suất lao động cao, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tình trạng tiêu cực, gian lận trong thương mại, XNK và hải quan.
CNTT – đầu tư 1 lợi 10
Nhìn từ Chi nhánh cảng Tân Vũ (Cty CP Cảng Hải Phòng) là một trong những đơn vị đầu tiên đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm chuyên dụng TOS (Terminal Opperating System). Đây là hệ thống phần mềm có các tính năng: lập kế hoạch cầu bến, kế hoạch xếp/dỡ tàu, kế hoạch nâng/hạ, dịch chuyển container tại bãi, quản lý vị trí container, tính cước, trao đổi dữ liệu với khách hàng,...
Nhờ hệ thống quản lý này, thời gian đưa hàng ra, vào cảng mỗi container rút ngắn được vài phút. Với hàng nghìn container mỗi ngày, chỉ riêng cảng Tân Vũ đã giảm được rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống này còn kết nối với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan nên giảm thời gian làm thủ tục. Sau khi hoàn thành thủ tục doanh nghiệp có thể đưa hàng ra khỏi cảng mà không phụ thuộc vào thời gian trong ngày, đồng thời giảm bớt được rất nhiều chứng từ, giấy tờ.
Được xem là “cuộc cách mạng” trong ứng dụng CNTT khi mới đây, Hải quan Hải Phòng vận hành Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM). Hệ thống này sẽ giúp 99% tờ khai, kim ngạch hàng hóa XNK được thực hiện thông quan trên hệ thống điện tử. Thậm chí tờ khai luồng xanh được thông quan với thờ gian kỷ lục - không quá 3 giây. Bên cạnh đó, hệ thống này còn thực hiện việc kết nối Một cửa quốc gia, nộp thuế điện tử qua ngân hàng...
Nếu áp dụng được CNTT để kết nối các sàn giao dịch vận tải hàng hóa nhằm hạn chế xe chạy rỗng thì sẽ giảm được 30 – 40% cước vận tải. Bởi hiện nay, tỷ lệ xe chạy rỗng chiều về của các doanh nghiệp vận tải luôn ở mức cao (60 - 70%). Thậm chí, ở các tuyến ngắn như: Hải Phòng – Hà Nội, Hải Phòng – Móng Cái,... tỷ lệ này lên đến 100%.