Vinafood 1 “quán quân” về gạo tồn kho
Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đang tồn cỡ 190.000 tấn, tăng 114.000 tấn so với tháng 2 và đứng vị trí áp đảo.
Theo Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 3/2018, cả nước còn tồn khoảng 784.397 tấn gạo, tăng 133.397 tấn so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tồn cỡ 190.000 tấn, tăng 114.000 tấn so với tháng 2.
Lo ngại
Tiếp đến là Tổng Công ty miền Nam (Vinafood 2) với lượng gạo tồn hơn 157.000 tấn, tăng 36 tấn so với tháng 2 nhưng vẫn ở mức thấp hơn gần một nửa so với cùng thời điểm cuối năm ngoái. Theo VFA, trong tháng 3, cả nước xuất khẩu được hơn 471.000 tấn, tăng hơn so với tháng 2 khoảng 28.000 tấn gạo, đạt trị giá FOB 214,443 triệu USD với giá bình quân 487,08 USD/tấn.
Năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo có thể tăng thêm 400.000 tấn so năm 2017 để đạt mức 6 triệu tấn. Giá gạo của Việt Nam hiện cũng được cải thiện tăng đáng kể, cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn.
Mặc dù VFA đánh giá xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2018 sẽ tăng tốc, nhưng giới chuyên gia lại lo ngại xuất khẩu gạo thời gian tới của Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn, bởi kinh nghiệm khảo sát thị trường nhiều năm cho thấy mỗi khi giá gạo Việt Nam tăng cao thì tình hình xuất khẩu lại đi xuống vì các doanh nghiệp phải hạ giá để có hợp đồng xuất khẩu trở lại.
Liên quan đến chính sách thương mại về lúa gạo, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xóa bỏ ngay những quy định tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, kéo lùi sự phát triển của xuất khẩu gạo trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, có thể nói đây là chính sách tồi nhất về xuất khẩu, với xu hướng ngược khi tăng quyền cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước để tăng sự chèn ép đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa và nông dân, tự tạo thêm trở ngại cho xuất khẩu lúa gạo của nước ta trong bối cảnh cạnh tranh tăng lên trên thị trường quốc tế.
Cần nhanh chóng cổ phần hóa Vinafood 1, Vinafood 2
Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là phải chuyển từ cơ chế quản lý xuất khẩu theo khối lượng là chính (như những quy định cứng về xuất khẩu gạo trong Nghị định 109) sang tư duy quản lý theo chất lượng. Muốn vậy, trước hết phải xây dựng lại tiêu chuẩn lúa gạo Việt Nam, vì tiêu chuẩn của hiện nay đã rất cũ, được xây dựng từ những năm 60-70 thế kỷ trước.
Ngoài ra, doanh nghiệp nào đảm bảo được chất lượng, ký được hợp đồng xuất khẩu thì cho phép xuất khẩu, chất lượng do người mua quyết định. Không nên để tình trạng như một số doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ ở Cà Mau, vì không có giấy phép xuất khẩu phải nhờ quyền xuất khẩu của doanh nghiệp khác để xuất khẩu sản phẩm của mình.
Để không làm méo mó chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam, PGS.TS Dương Văn Chín - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) từng thẳng thắn, cần nhanh chóng cổ phần hóa Vinafood 1, Vinafood 2, để cho kinh tế thị trường điều tiết. Khi cổ phần hóa, các công ty thành viên sẽ tự nỗ lực, tự tìm thị trường và bán.
Còn đối với VFA, phải giảm bớt quyền của đơn vị này. VFA không thể quyết định việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên. VFA chỉ nên là một hội ngành nghề đúng nghĩa.Từ trước tới nay Vinafood 1 và Vinafood 2 được trao quá nhiều quyền, được giao đàm phán hợp đồng tập trung nhưng không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam, bỏ giá thấp, điều kiện giao hàng không thuận lợi.
"Trước nay, hai tổng công ty lương thực dựa vào hợp tác giữa Chính phủ - Chính phủ để xuất khẩu gạo với khối lượng lớn. Họ chỉ cần bán với giá 300-400 USD/tấn, mỗi tấn lời khoảng 10 USD chẳng hạn, với khối lượng gạo xuất khẩu lên tới cả triệu tấn, cái lời của họ là rất lớn. Đã thế cách ấy lại rất dễ làm, họ chỉ cần bán gạo phẩm cấp thấp, trộn nhiều loại gạo với nhau, không cần phải tính phức tạp, rắc rối tách ra từng loại gạo bán giá 700-800 USD/tấn. Kiểu xuất khẩu gạo như thế đang làm méo mó chuỗi giá trị lúa gạo. Làm như vậy không bao giờ cải tiến được ngành lúa gạo Việt Nam”, ông Chín chỉ rõ.