4 dự án sản xuất phân bón Vinachem: Một "điểm sáng", ba "điểm tối"
Ngoài điểm sáng duy nhất là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, còn lại 3 dự án nhà máy phân bón khác của Vinachem đều trong tình trạng thua lỗ nặng nề.
Có thể bạn quan tâm |
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp trước gửi đến các đại biểu Quốc hội của Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 1 năm triển khai xử lý, tình hình tài chính tại các dự án, doanh nghiệp thu lỗ bước đầu cũng đã có một số những cải thiện. Điểm đáng lưu ý trong báo cáo này là có nhiều thông tin mới về tình hình sản xuất kinh doanh của 4 dự án sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Cụ thể, điểm sáng duy nhất là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng. Trong năm 2017, thời gian chạy máy của nhà máy là 265 ngày, lãi 15,15 tỷ đồng. Trong các tháng đầu năm 2018, tình hình sản xuất kinh doanh của dự án có nhiều thuận lợi và đạt lợi nhuận cao.
Trong quý I/2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 60.164 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 566,65 tỷ đồng, ước lãi 14,8 tỷ đồng (riêng tháng 3 ước lãi 2,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 tháng trước). Dự kiến năm 2018, nhà máy sản xuất 270.000 tấn DAP và lãi 18,453 tỷ đồng.
Còn lại 3 dự án nhà máy phân bón khác của Vinachem đều vẫn đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề. Trong đó, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai có thời gian chạy máy trong năm 2017 là 209 ngày, đạt doanh thu 1.248 tỷ đồng, lỗ 684 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 222 tỷ đồng (trong đó giãn khấu hao là 154 tỷ đồng). Trong quý I/2018, giá trị doanh thu ước đạt 538,89 tỷ đồng, ước lỗ 55,47 tỷ đồng (riêng tháng 3 ước lỗ 12,9 tỷ đồng, giảm so với 2 tháng trước). Dự kiến năm 2018, sản xuất 240.000 tấn DAP và lỗ khoảng 118,88 tỷ đồng.
Còn Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, thời gian chạy máy trong năm 2017 là 138 ngày; doanh thu 1.137,06 tỷ đồng, lỗ 933 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 198,5 tỷ đồng. Kể từ sau khi khởi động lại nhà máy vào ngày 22/01/2018, bình quân mỗi ngày nhà máy sản xuất gần 1.300 tấn/ngày và tăng dần lên 1.730 tấn/ngày trong tháng 3/2018.
Trong quý I/2018, tổng sản lượng của nhà máy Đạm Ninh Bình ước đạt 77.197 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 434,35 tỷ đồng, ước lỗ 201,64 tỷ (riêng tháng 3 ước lỗ 37,34 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 tháng trước). Cả năm 2018, dự kiến sản xuất đạt 300.000 tấn urê và lỗ khoảng 764 tỷ đồng.
Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc có thời gian chạy máy trong năm 2017 là 264 ngày; doanh thu 2.443 tỷ đồng, lỗ 602 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 449 tỷ đồng. Trong quý I/2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 67.376 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 670 tỷ đồng, ước lỗ 138 tỷ đồng. Năm 2018, dự kiến nhà máy sẽ sản xuất khoảng 350.000 tấn urê và lỗ 721 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đối với 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón (gồm Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) hiện đều chưa hoàn thành quyết toán hoàn thành dự án và vẫn đang tiến hành các bước triển khai thực hiện.
Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc đã hoàn thành báo cáo tự quyết toán dự án hoàn thành và đã thuê tư vấn kiểm toán độc lập thẩm định. Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình hiện đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện kiểm toán Dự án.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, vấn đề thua lỗ của các DNNN một phần do chính sách ưu đãi và sự can thiệp của Nhà nước vào kinh doanh. Các doanh nghiệp này vốn dĩ đã nhận được quá nhiều ưu đãi của Nhà nước về vốn, thuế, đất đai… tuy nhiên đều không hiệu quả. Do vậy, việc ngừng "đổ" thêm ngân sách vào các dự án nghìn tỷ yếu kém này là quyết định cần thiết.
TS .Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bản chất chính là cơ cấu lại tài chính và Nhà nước nên để thị trường xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Do đó, Nhà nước phải thông tin đầy đủ, chính xác để thị trường và các nhà đầu tư sẵn lòng xông vào xử lý những dự án này.