Bài toán khó mở rộng và kiểm soát của doanh nghiệp gia đình
Việc kiểm soát rủi ro trong quá trình mở rộng hoạt động luôn là bài toán khó của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gia đình.
Theo khảo sát của Global Risk Management, ở các nước có quy mô và tầm vóc của nền kinh tế lớn, các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ USD có mức độ quan tâm đến quản trị rủi ro chỉ ở mức 57%, nhưng với các doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ USD thì tỷ lệ này lên tới 90%.
Doanh nghiệp càng lớn, rủi ro càng cao
Lý giải cho số liệu nói trên, các chuyên gia cho rằng, khi doanh nghiệp càng lớn, rủi ro xảy ra càng cao. Bởi vì, khi quy mô sản xuất, kinh doanh mở rộng, đội ngũ nhân sự đông đảo hơn, các chính sách về quản trị rủi ro càng phải riết ráo hơn để doanh nghiệp có thể kiểm soát mọi hoạt động, giúp bộ máy vận hành trơn tru, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Tuy nhiên ở Việt Nam, mức độ quan tâm đến quản trị rủi ro này còn khá thấp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ). Bởi các doanh nghiệp này thường vận hành theo thói quen, đội ngũ cốt cán toàn người trong gia đình, quản trị dựa trên niềm tin. Điều này có nguy cơ dẫn tới việc kiểm soát, quản trị doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình mở rộng hoạt động.
Để đưa ra lời cảnh báo cũng như giúp các DNGĐ tránh được những thiệt hại không đáng có khi phát triển, chương trình CEO – Chìa khóa thành công đã đưa vấn đề này vào chủ đề: “DNGĐ– quản trị chuyên nghiệp”. Chương trình phát sóng vào 10h sáng chủ nhật ngày 13/05/2018 trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam.
Quan điểm trái chiều
Theo đó, một DNGĐ sản xuất và kinh doanh hàng may mặc, sau 23 năm hoạt động, đã tạo dựng được chỗ đứng, xây dựng được thương hiệu và mở rộng hoạt động. Các cổ đông nhận thấy CEO chưa kiểm soát được hết hoạt động của doanh nghiệp mình dẫn tới nhiều sai sót không đáng có. Theo đó, các cổ đông đã đề xuất thành lập một bộ phận giám sát độc lập. Bộ phận này có nhiệm vụ kiểm soát và báo cáo trực tiếp với HĐQT.
Tuy nhiên, CEO không đồng tình với đề xuất này bởi doanh nghiệp hiện nay đã có hệ thống kiểm soát nội bộ, nếu bổ sung thêm bộ phận này sẽ làm tăng quỹ lương, chồng chéo công việc mà không mang lại hiệu quả thiết thực. Trong khi đó, các cổ đông cho rằng hệ thống kiểm soát nội bộ hiện nay đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn tới nhiều sai sót.
Theo dõi buổi tranh biện, nhiều khán giả trên Fanpage CEO– Chìa khóa thành công đã ủng hộ quan điểm của các cổ đông. Trong đó, bạn Minh Linh chia sẻ: “Việc xảy ra các sai sót chứng tỏ đội ngũ kiểm soát nội bộ đang hoạt động thiếu hiệu quả. Việc thêm một bộ phận giám sát độc lập để hạn chế và quản trị rủi ro là điều doanh nghiệp nên làm”. Ngược lại, bạn Đinh Hoàng khẳng định: “Đồng ý rằng doanh nghiệp cần thêm giải pháp để quản trị rủi ro, nhưng việc bổ sung thêm một bộ phận kiểm soát là không cần thiết. CEO nên đưa ra phương án rà soát lại quy trình, quy chế và nhiệm vụ các phòng ban là giải pháp kịp thời ngay lúc này.”