Vì sao PVS đặt mục tiêu tụt lùi?

Phương Thảo 26/05/2018 06:59

So với năm 2017, doanh thu năm 2018 của Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến giảm 42%, còn lợi nhuận sau thuế giảm hơn 28%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS) vừa diễn ra, HĐQT đã trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu của năm 2018.

abc

Dịch vụ dầu khí biển (là khu vực dịch vụ chính của PVS) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm nghiêm trọng theo cấp số nhân, về cả khối lượng công việc và giá trị dịch vụ. 

Theo đó, PVS đặt mục tiêu năm 2018 với doanh thu hợp nhất 13,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 700 tỷ đồng và 560 tỷ đồng. So với năm 2017, doanh thu của PVS dự kiến giảm 42%, còn lợi nhuận sau thuế giảm hơn 28% so năm 2017. Cổ tức bằng tiền mặt 7%.

Ban lãnh đạo PVS cho biết, năm 2018 mặc dù giá dầu thô đã tăng và duy trì quanh mức 65-70 USD/thùng, nhưng các dự báo về triển vọng hoạt động dầu khí trong nước và khu vực vẫn không có nhiều thuận lợi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt cả trong và ngoài nước cũng như những diễn biến khó lường về chính sách kinh tế - chính trị toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của PVS. Tổng Công ty cũng gặp phải một số vấn đề nội tại trong mô hình và cách tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ không còn phù hợp với tình hình mới sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi ở những lĩnh vực từng được xem là truyền thống, giữ vai trò chủ đạo như tàu dịch vụ, căn cứ cảng dịch vụ, dịch vụ khảo sát... khiến Công ty đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Trong khi đó, kết quả doanh thu hợp nhất thực hiện cả năm 2017 của toàn Tổng công ty đạt 22,368 tỷ đồng, vượt 72% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1,005 tỷ đồng, vượt 43% kế hoạch năm. Dù năm qua giá dầu bình quân quay lại mức 54 USD/thùng, tuy nhiên theo PVS bối cảnh thị trường dịch vụ dầu khí năm 2017 vẫn chưa có sự tiến triển, cả về khối lượng công việc lẫn giá dịch vụ.

Tổng giám đốc PVS chia sẻ, trong năm qua, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục bị giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Dịch vụ dầu khí biển (là khu vực dịch vụ chính của Tổng công ty) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm nghiêm trọng theo cấp số nhân, về cả khối lượng công việc và giá trị dịch vụ. Với thực trạng có hoạt động thì lỗ ít, không hoạt động thì lỗ nhiều hoặc phá sản, nhiều công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước sẵn sàng chào phá giá, chấp nhận thực hiện dịch vụ với giá rất thấp hoặc hoạt động, vận hành sản xuất kinh doanh trong điều kiện thiếu an toàn bất chấp các quy định hiện hành, để cắt giảm tối đa các chi phí, làm cho thị trường dịch vụ trong khu vực ngày càng hỗn loạn.

Cụ thể, giá dịch vụ của PVS chỉ thực hiện 30% so với thời điểm giá dầu 100 USD/thùng. Giá FSO cũng giảm từ 45-60%...

PVS cho biết, để đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với định hướng đã đề ra, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Theo đó, Tổng công ty đang thực hiện Dự án Tàu phục vụ gần bờ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hợp đồng bao gồm trách nhiệm đi kèm là cung cấp dịch vụ ứng cứu sự cố tràn dầu tại Cảng (Harbor) và Phao rót dầu không bến (SPM) theo yêu cầu của Khách hàng.

Đồng thời, hiện Tổng công ty cũng đang có Chi nhánh hoạt động tại Đà Nẵng, là khu vực có hoạt động dịch vụ du lịch và lữ hành sôi động. Để khai thác tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng đã đầu tư tại Chi nhánh này, việc triển khai các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực Du lịch là cần thiết nhằm tăng doanh thu và lợi ích cho Tổng công ty.

Với những hoạt động đó, PVS sẽ mở rộng ngành nghề kinh doanh là cung cấp dịch vụ ứng cứu sự cố tràn dầu, hoạt động du lịch, điều hành tour.

Năm qua, PVS cũng đã triển khai các thủ tục chuyển sàn niêm yết sang HOSE. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa hoàn tất do một số vấn đề trong việc xử lý công nợ đối với các bên liên quan.

Phương Thảo