Sabeco “thay máu” nhân sự cao cấp
Đợt tái cấu trúc mạnh tay này của Tcty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) kể từ sau khi bán hơn 50% cổ phần cho người Thái, đã và đang thay đổi diện mạo nhân sự của doanh nghiệp này.
Nhân sự HĐQT của Sabeco hiện có 6 người, trong đó có tới 3 thành viên liên quan đến cổ đông lớn ThaiBev là ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT; ông Sunyaluck Chaikajornwat, Thành viên HĐQT độc lập; ông Tan Tiang Hing, Malcolm, thành viên HĐQT độc lập.
Từ đổi thay nhân sự...
Trong cơ cấu nhân sự Ban lãnh đạo điều hành của Sabeco, tính đến hiện nay, doanh nghiệp này hiện đang có Tổng Giám đốc vừa được bổ nhiệm năm 2017 là người Việt - Nguyễn Thành Nam. Dàn “tay trái tay phải” của ông Nam, theo cập nhật mới nhất đến nay, có 5 Phó Tổng Giám đốc. Trong đó, có 3 Phó Tổng Giám đốc đến từ Thái vừa được bổ nhiệm theo quyết định của HĐQT- được công bố thông tin lên HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 9/5/2018.
Trong 3 Phó Tổng Giám đốc vừa được bổ nhiệm, có 2 người nắm giữ những lĩnh vực quan trọng với các vị trí: Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kế toán-Tài chính và Hỗ trợ; Phó Tổng Giám đốc phụ trách bán hàng.
Đối với một doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, thì tài chính và bán hàng hay nói nôm na tiền ra và tiền vào là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bổ nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý hai mảng làm nên sức mạnh Sabeco, có nghĩa là người Thái đã và đang thực sự nắm “sinh mệnh” của doanh nghiệp đang có 46% thị phần ở thị trường bia Việt.
Việc lùm xùm thông tin và điều chỉnh từ nợ phải trả theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước thành nợ tiềm tàng hiện tại của Sabeco, dường như đã bắt đầu lóe lên những mâu thuẫn lợi ích đầu tiên giữa các cổ đông mới, cũ.
Đáng lưu ý, 1 Phó Tổng giám đốc của Sabeco vừa được người Thái “đưa vào”, sẽ được nhận chuyển giao quyền đại diện pháp luật của Sabeco. Điều đó có nghĩa, ngay cả ông Nguyễn Thành Nam cũng sẽ không còn thực sự là nhà điều hành đứng đầu trong cơ cấu nhân sự tại Sabeco.
Đây là kết quả đã được đoán trước kể từ khi Cty TNHH Vienam Beverage đổ 110.000 tỷ đồng - một giá trị khủng để đầu tư sở hữu 53,59% cổ phần của Sabeco, và là diễn biến nhân sự trong dự báo khi Sabeco đã tiến hành tổ chức rất gấp Đại hội cổ đông bất thường, đón Tân Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT mới từ Thái.
Theo thông tin từ Sabeco, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Minh An mới đây đã có đơn xin nghỉ việc. Theo đó, ông An sẽ bắt đầu nghỉ việc từ ngày 20/6 với lý do bận việc riêng. Đây là người đại diện vốn vốn góp của Sabeco tại Tcty Bia Sài Gòn-Khánh Hòa, nơi Sabeco nắm lợi ích kinh tế khoảng 26%. Trước đó, ông An cũng đại diện hơn 52% vốn Sabeco góp vào Sabeco Đồng Xuân.
Như vậy, việc ông An xin nghỉ việc đồng nghĩa sẽ co hẹp vùng ảnh hưởng của các nhân sự quản lý cấp cao Việt Nam tại doanh nghiệp bia vốn là niềm tự hào của người Việt. Và đồng thời, người Thái - cổ đông mới sẽ tiếp tục mở rộng vùng kiểm soát, điều hành, chi phối toàn phần tại doanh nghiệp này?.
... đến tín hiệu không vui mới
Những con số và các quyết định về tài chính cụ thể tại Sabeco, vừa công bố kể từ khi cổ đông Thái gia nhập doanh nghiệp, còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường hơn. Kết thúc quý I/2018, Sabeco đã nhận kết quả kinh doanh với lợi nhuận sụt giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu vẫn tăng và các chi phí gần như không đổi.
Cùng với đó, trước khi HĐQT được thay mới, Sabeco đã công bố Nghị quyết điều chỉnh nợ tiềm tàng trong Báo cáo tài chính thường niên 2017. Con số được điều chỉnh là khoản dự chi cổ tức phải trả (cho Bộ Công Thương) lên tới 2.495 tỷ đồng (và 289 tỷ đồng cho 10% cổ đông không kiểm soát). Lý do điều chỉnh nợ là theo Điều 135 Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được phê duyệt bởi Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, Sabeco chưa thực thi điều này nên chưa đủ điều kiện ghi nhận khoản nợ phải trả này.
Kèm văn bản công bố thông tin số 531 là quyết nghị thông qua việc điều chỉnh nội dung thuyết minh như trên, được ký bởi ông Võ Thanh Hà - một trong 4 nhân sự đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco theo Quyết định đầu 2017- trước thời điểm ông Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT Sabeco.
Việc lùm xùm thông tin và điều chỉnh từ nợ phải trả theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước thành nợ tiềm tàng hiện tại của Sabeco, dường như là tín hiệu cho thấy đã bắt đầu lóe lên những mâu thuẫn lợi ích đầu tiên giữa các cổ đông mới, cũ.