Lo lắng cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Hằng Thy 18/06/2018 11:00

Cùng với số doanh nghiệp khai sinh thì cũng một số lượng không nhỏ doanh nghiệp cũng khai tử. Vì vậy, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 e rằng khó có thể đạt được.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20178; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đang có nguy cơ không thành.

Nếu tính cả 902,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2018 là 1.419,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 13.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 65,6 nghìn doanh nghiệp.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm 2018 là 412,6 nghìn người, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số doanh nghệp thành lập mới tăng lên, nhưng cùng với đó, số số doanh buộc phải rời bỏ thương trường cũng gia tăng đáng kể. Theo đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018 là 33.399 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.974 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24% và 17.425 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 9,5%.

Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ở hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 6,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 39,1%), tăng 23,4%; 2,5 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 15,3%), tăng 23,5%; 2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,4%), tăng 17,7%; 819 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,1%), tăng 30,2%...

Đối với các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 6,1 nghìn doanh nghiệp (chiếm 35,3%), giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước; 2,4 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,6%), giảm 6,8%; 2,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 12%), giảm 3,3%; 1,1 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 6,3%), tăng 17,1%; 1 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,9%), tăng 15,7%.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 5 tháng đầu năm 2018 là 5.533 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 5.061 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% và tăng 17%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 2.127 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 779 doanh nghiệp, tăng 28,5%; xây dựng có 599 doanh nghiệp, tăng 12,8%.

Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đang có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, trong vòng khoảng gần 2 năm tới, cả nước phải có thêm hơn 300.000 doanh nghệp thành lập mới, tương đương mỗi năm phải có thêm ít nhất 150.000 doanh nghiệp hoạt động tốt mới đạt được mục tiêu đề ra là 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Điều này xem ra không hề dễ dàng, bởi theo như thống kê hàng tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với số doanh nghiệp khai sinh thì cũng một số lượng không nhỏ doanh nghiệp khai tử.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI Đà Nẵng: Hướng đến mục tiêu 1 triệu Doanh nghiệp vào năm 2020.

    10:15, 14/06/2017

  • Động lực để tạo ra 1 triệu doanh nghiệp

    19:39, 07/10/2016

  • VCCI: Phấn đấu để có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

    00:00, 27/03/2015

Để tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cũng  đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư để giảm nhẹ các áp lực thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, theo các chuyên gia, về cơ bản các quá trình cải cách vẫn đang nằm trên phương án hoặc… dự thảo của các Bộ. Các cải cách mới chỉ dừng lại ở động thái xóa bỏ các rào cản, chưa tính đến yếu tố thể chế và những chính sách thực sự nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Peacesoft cho biết, chính sách của Việt Nam liên tục thay đổi và môi trường kinh doanh, các quy định pháp lý nhiều khi thiếu thống nhất, kém minh bạch nên đặt doanh nghiệp và nhà đầu tư vào nhiều rủi ro.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 là không dễ, nếu quyết tâm không đủ lớn, cộng với sự ủng hộ tổng lực của các cấp bộ, ngành, địa phương để tạo lập một môi trường kinh doanh tốt, khơi dậy được cuộc “cách mạng khởi nghiệp” tại Việt Nam.

Tại một hội thảo gần đây, bà Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trên thực tế, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp này đang có nguy cơ không thành. Bởi để đạt mục tiêu đến năm 2020 đạt được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra, trung bình mỗi năm cần khoảng gần 150.000 doanh nghiệp mới và phải là doanh nghiệp sống được cùng phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế nhưng, số doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động vẫn nhiều lên và số phá sản gần bằng số doanh nghiệp mới ra đời.

Theo bà Hằng, doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế và "được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm 2018". Nhưng các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức như trình độ công nghệ thấp, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa có đột phá và chỉ khi có đột phá mới tạo được một điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển.

Trong khi đó, 2018 sẽ là năm mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng và một số chính sách mới sắp thực thi sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. 

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, tính đến quý 1/2018, các bộ ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh. Kết quả này cũng có sự tham gia của các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, giám sát và khuyến nghị Việt Nam thực hiện.

Tuy nhiên, ông Cung thừa nhận, thời gian tới mục tiêu của Nghị định 19/2018 đạt được không hề dễ dàng. Dự kiến Nghị quyết yêu cầu cắt bỏ và đơn giản hóa hơn 1.968 điều kiện kinh doanh; các bộ sẽ phải cắt giảm 500 trong các thông tư và dự thảo nghị định. Như vậy, đây sẽ là áp lực rất lớn và cần quyết tâm lớn hơn năm 2017.

Mục tiêu của năm 2018, Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu xếp hạng ở vị trí thứ 50 - 60, tức là tăng khoảng 8 - 10 bậc so với hiện nay (68/190 nền kinh tế được đánh giá). Để làm được điều này, nhiều chỉ số cần phải cải thiện với điểm rất cao, đặc biệt là phải rất nỗ lực.

Hằng Thy