Doanh nghiệp gia đình khó cưỡng lại IPO
Doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) sẽ khó cưỡng lại cuộc đua IPO khi đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức về nguồn tài chính cũng như nhân lực.
Nếu như năm 2017 được coi là một năm IPO thành công của các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, Vietjet, VPBank,… thì năm 2018 được dự đoán sẽ chứng kiến những thương vụ IPO đáng giá có thể lên tới 2 tỷ USD tại Việt Nam.
2 lựa chọn với DNGĐ
Theo thống kê sơ bộ, khoảng 100 DNGĐ lớn nhất Việt Nam đang đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều DNGĐ bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu vốn, môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp, không minh bạch, không phát triển nguồn nhân lực tốt... Trước xu hướng IPO hứa hẹn đem lại nguồn vốn dồi dào, thu hút nhân tài, quản trị chuyên nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và bứt phá, DNGĐ buộc phải tìm ra hướng đi mới nếu không muốn “dậm chân tại chỗ”. Điều này đồng nghĩa với việc DNGĐ phải đứng trước 2 ngã rẽ quyết định: Giữ vững mô hình DNGĐ để bảo đảm về sở hữu, tính gắn kết, hay IPO để mở ra con đường rộng lớn hơn.
Lời giải đáp sẽ có trong “CEO- Chìa khóa thành công” số 05, chủ đề “DNGĐ- Lựa chọn tương lai” được phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật ngày 17/6 trên VTV1, với sự tư vấn đến từ các chuyên gia, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Ý kiến trái chiều
Trước áp lực cạnh tranh gay gắt của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế, một DNGĐ có 20 năm sản xuất và kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm đang cần thêm nguồn lực về tài chính, nhân sự để tồn tại và phát triển. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu cũng như xin tư vấn từ các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, CEO đã đề xuất với HĐQT kế hoạch đưa Cty trở thành doanh nghiệp đại chúng. Tuy nhiên, ý kiến này lại vấp phải sự phản đối của các cổ đông. Cả hai bên đều đưa ra những lý do xác đáng, đầy thuyết phục.
Trong khi CEO nhận định IPO là giải pháp tối ưu để phát triển doanh nghiệp, đưa DNGĐ lên một tầm cao mới, thì phía cổ đông lại cho rằng IPO có thể làm mất đi giá trị văn hóa gia đình và đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ bị thôn tính.
Bên cạnh đó, chủ đề này cũng đón nhận sự quan tâm của nhiều khán giả trên trang Fanpage của “CEO- chìa khóa thành công”, trong đó anh Trần Nhật Đức cho rằng: “Xã hội hóa DNGĐ là con đường tất yếu phải đi, vấn đề chỉ nằm ở thời điểm. “Lúc này thị trường IPO đang sôi sục, DNGD bước vào “cuộc đua IPO” không khỏi lo lắng, hoặc thắng lợi hoặc bị đảo lộn trước sự “thay máu” quyết liệt này”, anh Trần Nhật Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chị Lương Quỳnh Mai bình luận: “Cả CEO và cổ đông đều có những lý lẽ rất xác đáng cho luận điểm của mình. IPO hay không là một quyết định không hề dễ dàng, đòi hỏi sự tính toán vô cùng kỹ lưỡng của doanh nghiệp”.
Để chia sẻ thêm với các DN khác về vấn đề này, xin mời quý vị gửi email về địa chỉ toasoan@dddn.com.vn, hoặc xem tại www.chiakhoathanhcong.vtv.vn; www.khoinghiep. org.vn |