Cái khó bó cái khôn ở HAGL
Đưa ra lời hứa sẽ sớm đưa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở lại hùng mạnh như 10 năm trước đây
Nhưng ông Đoàn Nguyên Đức sẽ thực hiện lời hứa đó như thế nào khi yếu tố quan trọng nhất là vốn đầu tư thì lại không có?.
Kết quả bán trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu vừa qua của HAGL Agrico (Cty con thuộc HAGL) có thể được coi là câu trả lời rõ ràng nhất về niềm tin của các nhà đầu tư với tập đoàn này hiện nay.
Thiếu nhà đầu tư có “thực lực”
Vài tháng trước đây, HAGL đã công bố kế hoạch bán 221.710 trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Với giá 10 triệu đồng/trái phiếu, sau một năm sẽ được chuyển đổi thành 1.000 cổ phiếu, tập đoàn này dự kiến sẽ huy động được 2.217 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư mới và chăm sóc cây ăn trái.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, số trái phiếu chuyển đổi được bán ra chỉ vẻn vẹn 22 trái phiếu, chiếm chưa đầy 0,01% lượng trái phiếu được chào bán. Tại ĐHĐCĐ năm 2018 được tổ chức mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL, cho biết rằng HAGL Agrico sẽ tiếp tục phát hành cho các nhà đầu tư mới với mức giá chào bán không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu, và theo các điều kiện chuyển đổi tương đương cổ đông hiện hữu.
Trên thực tế, chưa có nhà đầu tư nào sẵn sàng đặt niềm tin vào con thuyền HAGL vẫn đang chòng chành vật lộn với bão tố giữa biển khơi nợ nần, mà ngay cả ông “bầu” Đức cũng chưa biết khi nào mới tới bờ.
Có thể bạn quan tâm
"Cơn ác mộng" của HAGL
06:30, 02/04/2018
HAGL thu "quả ngọt" từ trái cây
05:00, 01/11/2017
HAGL bắt đầu thu "quả ngọt" từ nông nghiệp?
15:00, 15/09/2017
2 năm nữa HAGL sẽ "lột xác"?
15:40, 03/07/2017
Trái cây có bền vững?
Cách duy nhất duy trì mảng kinh doanh cốt lõi của HAGL trong vòng 2 năm qua là trồng cây ăn trái để xuất khẩu. Năm 2017, HAGL đã ghi nhận hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu từ cây ăn trái, và lợi nhuận là hơn 70 tỷ đồng.
Doanh thu từ cây ăn trái của HAGL chiếm khoảng 81% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Nhưng liệu mảng kinh doanh cốt lõi này sẽ kéo dài được bao lâu thì chưa ai biết.
Thực tế, sự thay đổi trái cây chiến lược của “bầu” Đức cũng nhanh như mảng kinh doanh cốt lõi ông từng thay đổi trước kia. Từ gỗ, chuyển sang bất động sản, rồi cao su và rồi lại sang kinh doanh bò. Ở mảng cốt lõi nào, ông cũng nói đó là mảng tiềm năng có khả năng đưa tập đoàn lên tầm cao mới. Nhưng dường như càng thay đổi, HAGL càng đi xuống, và vòng đời của mảng kinh doanh cốt lõi đó lại càng ngắn.
Trong bối cảnh vốn không huy động được như hiện tại và những khoản nợ khổng lồ vẫn đè nặng trên vai, cũng rất dễ hiểu khi các nhà đầu tư vẫn không đặt niềm tin vào tập đoàn này.