Doanh nghiệp với chiến lược phát triển bền vững
Một doanh nghiệp muốn phát huy được lợi thế của mình và tạo đà tăng tốc, cần xây dựng một chiến lượng phát triển bền vững.
Tháng 5/2018, đại diện của Lotte Mart Việt Nam (LMVN) thừa nhận do chưa nắm bắt được thói quen mua sắm của người Việt, đại siêu thị đến từ Hàn Quốc này đã chịu lỗ lũy kế 800 tỷ đồng và chưa hề phát sinh lợi nhuận sau 11 năm đi vào hoạt động.
Thiếu chiến lược bài bản
Sở dĩ LMVN chưa thành công ở Việt Nam là do tập đoàn này đã tập trung vào xây dựng cơ sở kinh doanh hoành tráng mà bỏ qua một yếu tố quan trọng là thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Người Việt thường xuyên lựa chọn đi mua sắm ở đâu tiện lợi nhất với họ khi có nhu cầu, chứ chưa chắc đã bị yếu tố mới mẻ và hiện đại thu hút. Cũng chính vì xu hướng này mà cho đến nay, các kênh truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hóa vẫn chiếm đến hơn 90% thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Nếu LMVN có thể nhìn ra được vấn đề của mình và dần dần “sửa sai” thì chẳng còn có một cơ hội nào cho Uber làm lại tại thị trường Đông Nam Á. Uber từng rất thành công tại Mỹ nhưng đã lầm tưởng cứ nhân bản mô hình đó ra Trung Quốc, Ấn Độ rồi các nước Đông Nam Á thì kết quả sẽ tương tự. Sai lầm của họ là quá nôn nóng “đi tắt đón đầu”. Chính điều đó đã khiến Uber bị thua lỗ triền miên.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định sáng suốt ngay từ những bước đầu tiên, chương trình CEO – Chìa khóa thành công số 09 đã đưa ra chủ đề “Khởi nghiệp- Hoạch định đường xa” để cùng các nhà kinh doanh tìm giải pháp tháo gỡ. Chương trình phát sóng trên kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng chủ nhật ngày 15 tháng 7 năm 2018.
Quan điểm trái chiều
Theo đó, một doanh nghiệp startup đang hoạt động tốt, có sản phẩm đang bán chạy trên thị trường. Những người đồng sáng lập Cty cho rằng doanh nghiệp cần phải tăng tốc, mở rộng quy mô ngay để thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên, người sáng lập kiêm CEO Cty lại không đồng tình vì cho rằng cần phải phát triển có căn cứ, có chiến lược từ khảo sát, phân tích thực tế, trước tiên để tránh gặp rủi ro, chứ không thể cứ tranh thủ thời cơ như vậy.
Theo dõi cuộc tranh biện giữa CEO và các nhà đồng sáng lập, nhiều khán giả trên Fanpage CEO – Chìa khóa thành công đã ủng hộ quan điểm của CEO. Bạn Thu Huyền cho rằng: “Hoạch định chiến lược phát triển giúp doanh nghiệp định hướng mở rộng đúng đắn, chuẩn bị tốt nhiều nguồn lực, tránh gặp rủi ro đáng tiếc. CEO đã đúng khi chủ trương làm khảo sát thực tế trước khi mở rộng kinh doanh”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại ủng hộ quan điểm của các nhà đồng sáng lập, bạn Lê Chí chia sẻ: “Doanh nghiệp có nguồn lực nhất định mới tiến hành nghiên cứu thị trường được. Làm chiến lược lúc đang có sẵn thời cơ phát triển như thế sẽ tốn thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp. Điều quan trọng lúc này là tăng tốc để tranh thủ được thị trường”.
Chương trình được đồng hành bởi TƯ Hội Doanh nghiệp Việt Nam, PwC Việt Nam, Tcty Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Để chia sẻ thêm với các DN khác về vấn đề này, xin mời quý vị gửi email về địa chỉ toasoan@dddn.com.vn, hoặc xem tại www.chiakhoathanhcong.vtv.vn; www.khoinghiep. org.vn |