Bột giấy Phương Nam: Cái chết được báo trước

Nguyễn Việt 19/07/2018 11:00

Sau 3 lần liên tiếp rao bán không thành công, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù để xử lý dự án.

Cơ chế đặc thù này là Chính phủ cho phép giảm 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó. Thời gian mỗi lần giảm giá theo đúng quy định của pháp luật và không giới hạn số lần giảm giá cho đến khi nào có khách hàng chịu mua nhà máy này.

p/đề xuất của Tổng Công ty Giấy chẳng khác nào cho không nhà máy

Đề xuất của Tổng Công ty Giấy chẳng khác nào cho không nhà máy

“Quy trình” 2 bước

“Mỗi lần giảm giá, Tổng công ty sẽ đánh giá lại khả năng tài chính và khả năng trả nợ của Tổng công ty sau khi xử lý dự án và báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định việc giảm giá tiếp theo”, văn bản của Tổng công ty Giấy nhấn mạnh.

Ngoài đề xuất như trên, trong văn bản gửi Bộ Công Thương hôm 3/7/2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam còn đề cập đến việc định giá lại toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Cụ thể, Tổng công ty cho biết chứng thư thẩm định giá số 11-17/CT-ĐG/ĐG ngày 24/1/2017 (định giá Nhà máy Bột giấy Phương Nam) do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam phát hành đã hết hiệu lực. Trong khi đó, đơn vị này lại từ chối gia hạn chứng thư thẩm định giá do thực tế giá cả thị trường đã có nhiều biến động.
Như vậy, Tổng công ty Giấy Việt Nam không đủ căn cứ để tiếp tục chào bán tài sản dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo giá khởi điểm đã được phê duyệt như Tổng công ty đã đề xuất với Bộ Công Thương.

Trước đó, hôm 8/6/2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã có báo cáo số 161 gửi Bộ Công Thương đề xuất phương án tiếp tục triển khai công tác bán đấu giá dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Cụ thể, việc bán đấu giá nhà máy sẽ gồm 2 bước.

Bước 1, do hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc mua nhà máy, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cho phép Tổng công ty tiếp tục đăng tải thông tin và thực hiện bán đấu giá nhà máy theo phương án đã được phê duyệt với mức giá khởi điểm là 1.885,4 tỷ đồng. Thời gian từ lúc đăng tải thông tin đến lúc tổ chức bán đấu giá tối đa không quá 45 ngày.

  Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được cho là "độc nhất vô nhị" bởi nhà máy chưa hề thí nghiệm làm ra sản phẩm bột giấy. 

Bước 2, sau khi hết thời gian đăng tải thông tin và thực hiện bán như trên, trong trường hợp không có nhà đầu tư nào quan tâm, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù dưới hình thức ban hành nghị quyết của Chính phủ, làm cơ sở tiếp tục tổ chức bán đấu giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Dừng đầu tư dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam

    00:00, 21/05/2014

Chẳng khác nào cho không nhà máy

Theo một chuyên gia trong ngành giấy, “cái chết” của Nhà máy Bột giấy Phương Nam là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu cây đay, không phù hợp với công nghệ, dây chuyền, máy móc. Khi thử nghiệm, người ta đưa đay trồng ở Long An vào thì máy không hoạt động được.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề của Nhà máy Bột giấy Phương Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất của Tổng Công ty Giấy chẳng khác nào cho không nhà máy. Sau mỗi lần đấu giá không thành công sẽ giảm 10% cho lần đấu giá tiếp theo, mà lại giảm không giới hạn thì cuối cùng dự án sẽ chẳng còn gì.
Ông Thịnh gọi dự án này là "độc nhất vô nhị" bởi nhà máy chưa hề thí nghiệm làm ra sản phẩm bột giấy. Ngay tại Nga, quốc gia xuất xứ của công nghệ này cũng chưa làm ra bột giấy với chính công nghệ ấy. Vậy nhưng phía Việt Nam vẫn cứ nhập về và đến giờ chưa ai biết nhà máy có làm ra giấy được hay không?

Để xử lý nhà máy này, ông Thịnh đề xuất, nếu được thì bán đất, nhà xưởng, còn lại "xẻ thịt" nhà máy, phân loại máy móc, cái nào dùng được cho lĩnh vực gì và bán được thì bán, nếu không thì bán theo dạng... sắt vụn.

Nguyên nhân khiến nhà máy này phải "đắp chiếu" được giải thích do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) - một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy thiếu năng lực, kinh nghiệm.

Sau khi chuyển về chủ đầu tư mới là Tổng công ty Giấy Việt Nam, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...

Nguyễn Việt