Doanh nghiệp “gánh nợ” sau khi cổ phần hóa

Đăng Quang 06/09/2018 13:00

Mỗi năm buộc chi hàng chục tỷ đồng cho khoản vốn vay ODA, bộ máy hoạt động cồng kềnh… là những gì mà Công ty CP cấp nước Nghệ An (Cty cấp nước Nghệ An) đang phải gánh trên mình sau khi cổ phần hóa.

 Sau khi cổ phần hóa, Cty cấp nước Nghệ An rơi vào cảnh nợ nần chồng chất

Sau khi cổ phần hóa, Cty cấp nước Nghệ An rơi vào cảnh nợ nần chồng chất

Ngoài tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, Cty cấp nước Nghệ An còn phải đối mặt với rất nhiều gánh nặng tài chính chưa biết bao giờ mới trút bỏ được.

Tháng 1/2017, Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An có trụ sở tại TP Vinh chính thức được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP cấp nước Nghệ An với 5 chi nhánh gồm: Chi nhánh dịch vụ cấp nước số 1, chi nhánh dịch vụ cấp nước số 2, số 3, số 4, số 5); 4 Xí nghiệp cấp nước (XN thi công sửa chữa xe máy, XNCN vùng phụ cận TP Vinh, XNCN các đô thị miền Tây, XN xây lắp nước); 1 Nhà máy nước Hưng Vĩnh; 1 Trung tâm cấp nước sạch Hưng Nguyên.

Sau cổ phần hóa, Cty cấp nước Nghệ An liên tục mở rộng phạm vi, đối tượng khách hàng để tăng doanh thu. Thế nhưng, theo báo cáo tài chính thì trong năm 2017, đơn vị này vẫn báo lỗ gần 1 tỷ đồng.

Mặt khác, đến nay Cty cấp nước Nghệ An phải trả nợ vay khoản ODA mỗi năm trên dưới 50 tỷ đồng cho dự án cấp nước vùng phụ cận Vinh được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014 với tổng mức đầu tư 387.555.000.000 đồng. Bởi doanh thu từ dự án này mang lại mỗi năm vẫn không đủ để trả nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2017, doanh thu từ dự án hơn 38 tỷ đồng nhưng số tiền buộc phải chi trả đã lên tới 41,43 tỷ đồng bao gồm nợ ngân hàng 27,61 tỷ đồng và 13,82 tỷ từ tiền sử dụng nước thô. Điều này cho thấy, doanh thu của dự án cấp nước vùng phụ cận Vinh sau khi đi vào hoạt động đang âm hàng tỷ đồng. Ngoài ra, Cty cấp nước Nghệ An còn phải trả hàng chục tỷ đồng do vốn đối ứng của tỉnh Nghệ An cho dự án này còn thiếu.
Không chỉ vậy, đến thời điểm tháng 6/2018, Cty cấp nước Nghệ An đang có 141 lao động được đơn vị ký hợp đồng khi đang là doanh nghiệp Nhà nước sắp hết thời hạn và buộc phải nghỉ việc. Quỹ lương cạn kiệt, hàng trăm lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp phải sống trong cảnh chật vật, lo lắng. Nguyên nhân là do vì vào năm 2016, trước khi tham mưu đề xuất giá mua nước sạch để đưa ra lộ trình cổ phần hóa, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An không tính số lao động này để đưa vào bài toán cân đối thu – chi hàng năm.

Với những khoản nợ nần quá lớn như vậy đã khiến Cty cấp nước Nghệ An không còn tiền dư để tái đầu tư sản xuất cũng như nâng cấp, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Việc đấu nối đường ống cấp nước sạch vẫn còn phải chịu cảnh chắp vá, nhiều tuyến xuống cấp nghiêm trọng vẫn không được sửa chữa. Chính vì vậy, thay vì phải chịu định mức hao hụt thất thoát nước sạch ở mức tối đa 27% thì hiện nay hệ thống đường cấp cấp nước trên địa bàn đang ở mức 34%.

Đăng Quang