5S - Bí quyết đưa Nhựa Hà Nội thay đổi chất và lượng

Minh Anh 06/09/2018 14:20

Hơn một năm áp dụng quy tắc 5S, Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội đã cải thiện được môi trường sản xuất, giảm diện tích mặt bằng, số lượng lưu kho, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.

Nhựa Hà Nội sau khi triển khai đầy đủ, bài bản hoạt động 5S đã khởi tạo được không gian làm việc ngăn nắp, sạch sẽ. Đồng thời, 5S là nền tảng để dễ dàng phát hiện ra bất thường tại vị trí làm việc. Tính đến nay, 100% khối sản xuất của nhà máy đã triển khai thành công 5S và hai phân xưởng đang áp dụng giai đoạn cao hơn đó là xây dựng công việc tiêu chuẩn và cải tiến. Cả hai hoạt động trên đều được Toyota Việt Nam hỗ trợ thực hiện bằng cách cử chuyên gia đến hướng dẫn và trợ giúp trực tiếp tại nhà máy hàng tuần. Về hiệu quả kinh tế, thống kê 6 tháng đầu năm 2018, Nhựa Hà Nội đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ VND qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%.

Một góc khu vực quản lý và thực hiện 5S tại nhà máy Nhựa Hà Nội

Một góc khu vực quản lý và thực hiện 5S tại nhà máy Nhựa Hà Nội

Anh Nguyễn Hữu Phong – Trưởng phòng Kế hoạch Sản xuất, Nhựa Hà Nội cho biết:“Nhựa Hà Nội đã có sự thay đổi lớn cả về chất và lượng, nhà máy sạch sẽ, ngăn nắp hơn và hiệu quả công việc tăng từ 73,7% lên 89,2%, tỉ lệ sai giảm từ 1,6% xuống còn dưới 0,5%, ở một số công đoạn sản xuất đã thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chẳng hạn, việc loại bỏ quy trình trộn và tạo hạt trước khi đưa vào máy ép đã giúp nhà máy giảm được 26750 kg hạt nhựa/tháng so với 64950 kg hạt nhựa dùng trước đây, tiết kiệm được 4052 đô la Mỹ/tháng về nguyên vật liệu và nhân công”.

Mỗi khu vực có một tấm bảng quản lý thực hiện 5S để mỗi người công nhân, quản lý đều biết vai trò và trách nhiệm của mình trong khu vực và lớp lao động tiếp theo cũng dễ dàng tiếp nhận công việc. Toàn bộ nền nhà xưởng được sơn màu xanh lá, thể hiện rõ phần đường dành cho người đi bộ, máy móc, các biển chỉ dẫn…tạo thành một hệ thống giao thông thông suốt, an toàn cho cả nhà máy, giảm thiểu rủi ro, tai nạn tiềm ẩn khi con người và máy móc cùng hoạt động trên một con đường.

Nhựa Hà Nội hiện nay là nhà cung cấp phụ tùng ô tô xe máy, và linh kiện điện gia dụng, điện tử, chi tiết kỹ thuật ngành xây dựng cho nhiều hãng lớn như Toyota, Honda... Để trở thành nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản nhất là trong lĩnh vực ô tô xe máy là điều không dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt bởi không chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chi phí cạnh tranh mà còn về công nghệ và tính bền vững. Nếu trước đây Nhựa Hà Nội chỉ cung cấp được 2-3 phụ tùng nhựa cho Toyota Việt Nam thì đến nay đã lên đến 29 phụ tùng. Con số này cho thấy sự nỗ lực hoàn thiện của Nhựa Hà Nội để trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp FDI.

"Nhựa Hà Nội đã nhận được sự hỗ trợ hết mình từ phía đối tác Toyota Việt Nam qua những buổi đào tạo tại nhà máy Toyota Việt Nam, sau đó là sự giám sát, hỗ trợ trực tiếp và liên tục hàng tuần của các chuyên gia Toyota như người trong nhà, cùng ăn, cùng làm việc" - anh Phong chia sẻ.

Bằng ý chí của lãnh đạo, quyết tâm của tập thể, Nhựa Hà Nội đã làm nên sự thay đổi lớn về nét văn hóa tuân thủ, mà sâu xa hơn là mang đến hiệu quả chất và lượng, tính bền vững cho hệ thống.

Có lẽ những sự thay đổi này dường như là minh chứng rõ nhất cho một câu nói của một vị lãnh đạo Toyota Việt Nam: "Toyota đã tăng tỉ lệ nội địa hoá lên bằng chất xám chứ không phải bằng tiền".

5S theo định nghĩa từ tiếng Nhật gồm các từ Seiri (Sàng lọc những thứ không cần thiết và bỏ đi), Seiton (Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy), Seiso (Sạch sẽ vệ sinh thiết bị, dụng cụ và nơi làm việc), Seiketsu (Duy trì nơi làm việc bằng cách luôn thực hiện 3S trên) và Shitsuke (Sẵn sàng giáo dục rèn luyện để mọi người thực hiện 4S trên một cách tự giác). Hai yếu tố không gian trật tự và làm việc theo nguyên tắc, tôn trọng kỷ luật được Toyota coi là nền tảng căn bản để tăng hiệu suất lao động đồng thời giúp phát hiện vấn đề của nhà máy một cách nhanh chóng, là cơ sở của Kaizen (cải tiến).

Minh Anh