Gỡ vướng cho các dự án điện mặt trời
Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) yêu cầu từ nay đến năm 2020 đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời.
Theo đó, năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời vào khoảng 850 MW, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi phải tiếp tục gỡ vướng đối với các dự án điện mặt trời.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về năng suất phát điện mặt trời, ở khu vực miền Nam (TPHCM và các tỉnh miền Nam), điện năng phát của 1 kWp đạt khoảng 1.350 - 1.450 kWh/năm; riêng khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận có thể đạt 1.550 kWh/năm. Còn các tỉnh miền Trung đạt khoảng 1.300 kWh/năm. Giá trị làm lợi điện mặt trời mang lại đạt từ 3,6 - 3,9 triệu đồng/năm/kWp. |
Vướng trong ký hợp đồng
Tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Trong đó, tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và thêm 1,77 GW sau năm 2020. Với các dự án điện mặt trời lắp mái, tính đến cuối tháng 7/2018, đã có 748 dự án được triển khai trên cả nước, với tổng công suất 11,55 MWp.
TP. HCM là một trong những địa phương đi đầu về phát triển điện mặt trời lắp mái. Tính đến nay, đã có gần 300 khách hàng điện mặt trời lắp mái nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Ðể hỗ trợ khách hàng, EVNHCMC chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt điện kế hai chiều, ghi chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát ngược lên lưới cho khách hàng... Nhưng đến nay, EVNHCMC vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và phát hành hóa đơn cho khách hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có Thông tư từ Bộ Tài chính, hoặc Thông tư liên ngành Tài chính - Công Thương hướng dẫn cụ thể phương thức bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và hóa đơn trong hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các hộ dân.
Có thể bạn quan tâm
Huế có nhà máy điện mặt trời tổng vốn 1.000 tỷ đồng
16:19, 07/10/2018
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự lễ động thổ dự án điện mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An
16:36, 17/09/2018
Bình Thuận: Xúc tiến xây dựng các nhà máy điện mặt trời
06:35, 13/09/2018
Đồng bộ chính sách
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc phát động toàn dân phát triển điện mặt trời trên mái nhà, trên ao hồ, sườn đồi, trên các tòa nhà… là cần thiết trong bối cảnh hiện nay của nước ta. Do vậy, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ mọi vướng mắc cho điện mặt trời lắp mái nối lưới.
Nếu tháo gỡ được các vướng mắc, thì mới tạo động lực thúc đẩy điện mặt trời phát triển mạnh mẽ. Với hàng chục triệu hộ gia đình, chỉ cần mỗi hộ phát lên lưới vài kWh, sẽ có con số tổng sản lượng rất lớn; góp phần giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện, nhất là khi các nguồn nhiên liệu truyền thống phục vụ sản xuất điện đang ngày càng cạn kiệt.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét trình Chính phủ sửa đổi cơ chế giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, đối với dự án điện mặt trời áp dụng sau tháng 6/2019; cơ chế đấu thầu riêng, hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện mặt trời. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 11 để giải quyết những vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án điện mặt trời lắp mái.