Người lao động lo lắng vì chủ doanh nghiệp Hàn Quốc chưa trả lương đã “mất tích”

Thy Hằng 08/11/2018 07:26

Thêm một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu nợ lương, nợ BHXH người lao động rồi "mất tích", trong khi đó, công tác khiếu kiện bảo vệ quyền lợi người lao động lại khó khăn.

Chủ Công ty TNHH MTV Cho Won (100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất nhựa, đóng tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) vắng mặt không liên hệ được, nợ bảo hiểm xã hội, nợ 2 tháng lương của công nhân.

Tình trạng doanh nghiệp nợ lương rồi

Tình trạng doanh nghiệp nợ lương rồi "mất tích" lại tái diễn tại Đồng Nai.

Báo động tình trạng doanh nghiệp nợ lương rồi “mất tích”

Theo đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, cuối tháng 10/2018 đơn vị này nhận được tờ trình của đại diện người lao động Công ty TNHH MTV Cho Won (100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất nhựa, đóng tại huyện Nhơn Trạch) về việc chủ doanh nghiệp vắng mặt không liên hệ được, công ty nợ bảo hiểm xã hội, nợ 2 tháng lương của người lao động. 

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, Công ty TNHH MTV Cho Won có vốn đầu tư 1 triệu USD, sử dụng hơn 40 lao động, thuê nhà xưởng của công ty khác để sản xuất, kinh doanh, do ông Kim Dae Gun (quốc tịch Hàn Quốc) làm giám đốc. 

Từ tháng 9/2018, việc sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn, thua lỗ, giám đốc bỏ về nước, không liên lạc được. Hiện công ty này đang nợ lương tháng 9-10/2018 của hơn 40 công nhân. Công ty này cũng còn nợ bảo hiểm xã hội với số tiền 120 triệu đồng.

Trên thực tế, đây không phải là trường hợp duy nhất doanh nghiệp nợ lương lao động rồi “mất tích”. Trước đó, hơn 1.900 người lao động của công ty TNHH KL Texwell Vina ở Đồng Nai cũng rơi vào cảnh bị nợ lương số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng và 17 tỷ đồng doanh nghiệp này nợ BHXH.

Gần đây nhất, sau đợt nghỉ lễ vào ngày 5/9, công nhân của Công ty TNHH XNK May Thái Bình Dương quay trở lại làm việc thì chủ doanh nghiệp đã "mất tích" trong khi tài sản đã được bán gần hết. Hiện công ty còn nợ hơn 3,9 tỉ đồng tiền lương và BHXH của 161 công nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp phải báo cáo về thưởng Tết và nợ lương trước ngày 20/12

    Doanh nghiệp phải báo cáo về thưởng Tết và nợ lương trước ngày 20/12

    06:50, 01/11/2018

  • Quảng Ninh: Nhức nhối tình trạng nợ lương, BHXH

    Quảng Ninh: Nhức nhối tình trạng nợ lương, BHXH

    06:50, 01/08/2018

  • Vụ “2.000 lao động bị nợ lương”: Sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 10/3

    Vụ “2.000 lao động bị nợ lương”: Sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 10/3

    06:31, 05/03/2018

Không dễ khởi kiện

Trong khi đó, công tác kiện doanh nghiệp nợ lương, bảo vệ người lao động lại “bế tắc” vì một số quy định tại luật hiện hành.

Cụ thể, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo Luật BHXH 2014, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ lương, trốn đóng BHXH được giao cho công đoàn, nhưng trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

“Việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ lương, trốn đóng BHXH của người lao động hiện rất khó khăn. Nếu tổ chức công đoàn không tiến hành khởi kiện thì không thực hiện theo quy định của pháp luật, mà nếu làm thì rất khó khăn và ở vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, ông Bảng cho biết.

Bởi theo ông Quảng, theo quy định, dù cùng làm cho một công ty, yêu cầu khởi kiện là giống nhau, chỉ khác về chi tiết nhưng khi ra trước tòa, mỗi đơn kiện của một người lao động là một vụ kiện riêng. Các đơn kiện của nhiều người lao động cùng một công ty được phân cho nhiều thẩm phán khác nhau giải quyết. Thực tế này vô tình hình thành một khối lượng công việc khổng lồ cho cán bộ công đoàn trong quá trình tham gia tố tụng.

"Một hồ sơ khởi kiện của người lao động nếu không có gì trở ngại, phải làm việc với tòa án từ 5 đến 7 lần. Với 40 hồ sơ được phân công ủy quyền đại diện người lao động, tôi đã phải chạy liên tục suốt nhiều tháng qua với rất nhiều thẩm phán để đưa ra xét xử. Đó là trường hợp công ty chỉ có 172 người lao động ủy quyền khởi kiện. Nếu được 500 hay 1.000 người lao động ủy quyền khởi kiện thì công đoàn khó có thể bảo đảm nhân lực để thực hiện", ông Đặng Phi Phong, chuyên viên Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM thừa nhận.

Thậm chí, theo các luật sư ngày khi thắng kiện thì vẫn vướng khâu thi hành án và đảm bảo tài của doanh nghiệp để chi trả cho lao động. "Hệ thống pháp luật hiện hành không có quy định về việc doanh nghiệp bỏ trốn là như thế nào, bao nhiêu lâu thì gọi là bỏ trốn, xử lý khối tài sản còn lại ra sao. Trong khi đó, tài sản doanh nghiệp nếu không được bảo quản sẽ xuống cấp, đến khi xử xong và thanh lý thì cũng không còn giá trị, do vậy có thắng kiện thì người lao động cũng thiệt thòi", một Luật sư chia sẻ.

Do đó, để tháo gỡ các khó khăn và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của lao động, kiến nghị cần rút gọn các thủ tục tố tụng. Chẳng hạn, đối với các vụ việc đã có chứng cứ rõ ràng, đông người lao động tham gia khởi kiện doanh nghiệp cùng một nội dung thì tòa án nên xem xét rút gọn thủ tục. 

Với vụ việc của Công ty TNHH MTV Cho Won, để hỗ trợ cho người lao động, ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết trước mắt, cơ quan chức năng sẽ làm việc với đại diện của công ty, nếu phía công ty có nguồn kinh phí dự trữ thì sẽ dùng nguồn đó trả lương và các chế độ cho công nhân.

Trường hợp công ty không còn nguồn kinh phí nào khác, cơ quan chức năng sẽ xin ý kiến UBND tỉnh để có biện pháp hỗ trợ người lao động kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đứng ra hỗ trợ giới thiệu việc làm mới cho người lao động. 

Thy Hằng