Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường: “Chìa khoá” phát triển bền vững của doanh nghiệp

Tiến Dũng 28/12/2018 19:59

Chiều 28/12, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại chương trình

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của ô nhiễm môi trường do áp lực phát triển kinh tế và thuộc vùng bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nước biển dâng. Do vậy, trong quá trình phát triển kinh tế, việc các doanh nghiệp chủ động, ý thức giảm thiểu ô nhiễm là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển bền vững.

Mỗi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Đây là tiêu chí để doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời là cơ sở để người dân tin dùng sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, là lợi thế của Việt Nam; đồng thời chuyển hướng sang các mô hình phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế các–bon thấp. Doanh nghiệp cần thể hiện vai trò tiên phong, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, xây dựng được các hệ thống quan trắc, giám sát nước thải, khí thải hiện đại; đầu tư các hệ thống dự báo, cảnh báo tác động của môi trường đến cộng đồng xung quanh…

Đồng thời, doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức, mô hình hoạt động sản xuất, gắn sản xuất, kinh doanh với tiêu dùng xanh; xây dựng văn hóa các – bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hài hòa với môi trường. Đây là thời điểm để thay đổi mô hình tăng trưởng hiện tại, xây dựng mô hình tăng trưởng xanh nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội về liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia trong phát triển, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải nhà kính thông qua sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm dần và tiến tới xóa bỏ năng lượng hóa thạch.

Các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa các hình thức thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc cải tiến công nghệ, giảm phát thải cũng như tiếp cận nguồn lực từ các quỹ đầu tư xanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tham gia nhiều và sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu để góp phần giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, khu vực cũng như quốc gia do suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và BĐKH”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định. 

Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” được tổ chức nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, môi trường trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận để có hướng đi phù hợp trong việc xây dựng thương hiệu Việt Nam xanh bền vững và tâm thế sẵn sàng trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với đó, các doanh nghiệp có cơ hội kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng về những vướng mắc cơ chế trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng và đầu cư công nghệ mới. Đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, chính sách và hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, đơn cử như tiêu thụ sản phẩm xanh.

Tiến Dũng