Tân Tổng Giám đốc Vinaconex được “quyết” 500 tỷ trong 5 phút

Tiến Dũng 30/01/2019 09:53

Khi còn là doanh nghiệp Nhà nước, Tổng Giám đốc Vinaconex chỉ quyết được mức đầu tư 5 tỷ đồng, giờ sang mô hình kinh tế tư nhân, Tổng giám đốc được quyết 500 tỷ.

Đó là thông tin do Lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bật mí cho báo chí vào dịp cuối năm khi mà doanh nghiệp này đã chính thức chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp tư nhân.

HĐQT Vinaconex gồm 7 người mới ra mắt

“Vòng Kim cô”

Như mọi người đều biết, trước ngày 22/11/2018 Vinaconex hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với 4 cổ đông lớn nắm giũ trên 5% vốn điều lệ cùng nhiều cổ đông nhỏ lẻ, trong đó nhà nước nắm giữ 255 triệu cổ phần, tương đương 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex. Do nhà nước nắm cổ phần chi phối nên mọi chức danh lãnh đạo cũng như các vấn đề đầu tư đều do nhà nước quyết và bắt buộc phải trình các cấp quản lý.

Ông Đỗ Trọng Quỳnh – Nguyên Tổng Giám đốc Vinaconex nhiều lần cho biết: Thủ tục đầu tư của các công ty nhà nước chính là cái “vòng kim cô” cản trở tính năng động của các doanh nghiệp kiểu như Vinaconex. Bất cứ thương vụ đầu tư nào Vinaconex cũng phải làm thủ tục trình các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, thời gian thông thường là cả năm, thậm chí là hàng năm trời. Nhiều dự án lớn do thời gian chờ đợi phê duyệt lâu quá nên khi được phê duyệt đã vuột mất cơ hội.

Không chỉ thủ tục nhiêu khê, ngay cả mức đầu tư thì Tổng Giám đốc như ông Quỳnh cũng chỉ quyết được 5 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT thì 10 tỷ. Nếu muốn đầu tư nhiều hơn phải thông qua HĐQT về chủ trương rồi mới trình lên cấp trên quyết. Nhiều lĩnh vực đầu tư không thuộc chuyên môn của các cơ quan quản lý lại phải xin ý kiến của cơ quan này, cơ quan nọ khiến không chỉ mất thời gian mà đôi khi lại dễ rủi ro. “Tại thời điểm chúng tôi trình đầu tư thì thị trường đang tốt và nếu làm sẽ có lãi nhưng sau khi chờ phê duyệt xong mới làm đôi khi thị trường đã đi xuống và nguy cơ lỗ rất cao. Khi đó mọi rủi ro đều đổ lên đầu Tổng Giám đốc”. Ông Quỳnh than thở

Chính việc phải xin xỏ này nọ và chờ phê duyệt nhiêu khê cùng những rủi ro luôn rình rập mà tính đổi mới, quyết đoán của lãnh đạo các công ty nhà nước bị thui chột. Việc đầu tiên mà các vị lãnh đạo các công ty nhà nước ưu tiên hướng đến là tìm mọi cách sao cho bảo toàn được vốn chứ không phải sinh lợi. Nếu bảo toàn được vốn thì họ đương nhiên an toàn “ngồi mát ăn bát vàng” còn nếu chẳng may quyết việc gì mà bị thua lỗ thì nguy cơ mất chức hay vướng vào vòng lao lý là rất dễ. Nếu thắng và có lãi thì thành tích là của cả tập thể và cá nhân lãnh đạo cũng chẳng được gì nhiều.

Cũng chính vì vậy mà Vinaconex có một khối tài sản “khủng” là hàng trăm ha đất tại Khu đô thị Bắc An Khánh rất đắc địa nhưng suốt chục năm trời qua vẫn chưa khai thác được.

Hay ngay cả dự án nước sạch Sông Đà tai tiếng với hơn 20 lần vỡ đường ống được triển khai giai đoạn 2 dù đã đấu thầu thành công và đơn vị cung cấp đường ống gang dẻo là nhà thầu Trung Quốc nhưng bị dư luận dị nghị nên buộc phải tạm dừng. Sau đó dự án đã được bán cho tư nhân và đơn vị mua lại dự án vẫn thi công bằng đúng loại vật liệu gang dẻo đó nhưng không có ai phản đối hay tuýt còi.

Thế mới biết cơ chế tư nhân thông thoáng, tính tự quyết cao và tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển tốt như thế nào.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng Giám đốc Ecopark “ngồi” ghế Chủ tịch Vinaconex

    12:13, 11/01/2019

  • Đại hội cổ đông bất thường Vinaconex: Bất ngờ ghế Chủ tịch?

    13:50, 10/01/2019

“Cởi trói”

Vào ngày 22/11/2018 Công ty TNHH An Quý Hưng, một doanh nghiệp tư nhân đã bỏ ra số tiền 7.366 tỷ đồng để mua trọn lô 255 triệu cổ phiếu, tương đương 57.71% cổ phần vốn điều lệ VCG do nhà nước nắm giữ từ đại diện là SCIC.

Tiếp đó, ngày 27/12/2018, một doanh nghiệp tư nhân khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ đã bỏ ra 2002 tỷ đồng để mua thành công trọn 94 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 21,28% cổ phần Vinaconex từ cổ đông trước đó là Tập đoàn Viettel.

Một ngày sau đó, Star Invest do ông Đặng Thế Anh Đức - sinh năm 1985 làm Tổng Giám đốc bất ngờ gây chú ý trên thị trường khi thông báo đã mua thành công toàn bộ 7,57% vốn của Vinaconex do Pyn Elite Fund sở hữu với giá 840 tỷ đồng, tương đương bình quân 25.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng, cơ cấu cổ đông của Vinaconex đã thay đổi hoàn toàn với sự xuất hiện của 3 cổ đông tư nhân nắm giữ gần 87% cổ phần VCG, số cổ phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Cũng chính tư thời điểm đó, Vinaconex đã chính thức là doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn. Một Ban lãnh đạo mới đã được bầu ra ngay sau đó với nhiệm vụ đưa Vinaconex trở lại thời kỳ hoàng kim của những năm trước đây.

Tâm tình tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinaconex vào ngày 12/1 vừa qua, Tân Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông cho rằng với cơ chế tự chủ thì đây là thời điểm vô cùng thích hợp để Vinaconex chuyển mình thành doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam không  chỉ trong lĩnh vực thi công xây dựng mà còn cả trong các lĩnh vực khác như: đầu tư và phát triển bất động sản để  Tổng Công ty có những sản phẩm mới là những khu đô thị, khu công nghiệp kiểu mẫu được thế giới công nhận.

Cũng tại sự kiện này, ông Đào Ngọc Thanh – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) - Chủ đầu tư Khu đô thị Ecopark nổi tiếng được tín nhiệm bầu ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho rằng, không có điều gì có thể ngăn cản Vinaconex trở lại thời kỳ hoàng kim trước đây và trở thành doanh nghiệp đầu tư xây dựng hàng đầu Việt Nam. Ông Thanh không giấu tham vọng biến Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) trở thành một Ecopark mới, thậm chí cao cấp hơn với giá bán có thể tăng lên gấp đôi hiện giờ.

Điều ông Thanh và ông Đông mong muốn và hướng tới không phải không có sơ sở bởi mới đây khi tiếp xúc báo chí, một vị thành viên HĐQT Vinaconex bật mí hiện Vinaconex đang sở hữu một khu đô thị Bắc An Khánh rộng lớn, hàng chục ha đất tiềm năng, 30% cơ sở cung cấp nước sạch cho Hà Nội cùng hàng loạt cơ sở hạ tầng có giá trị. Ngay cả cơ ngơi hàng chục tầng mà Vinaconex đang dùng làm trụ sở ở tại 34 Láng Hạ, Hà Nội thì giá thị trường cũng đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên điều mà vị này nhấn mạnh đó chính là cơ chế mới, tự làm tự chịu trách nhiệm cho phép Tổng giám đốc mới của Vianconex có thể quyết được mức đầu tư lên đến 500 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là 1000 tỷ đồng, tức là gấp đúng 100 lần mức quyết của Ban lãnh đạo cũ. Thậm chí nếu có dự án với mức đầu tư cao hơn gấp nhiều lần nữa thì cũng chỉ cần một cuộc họp HĐQT gồm 7 thành viên để quyết trong 5 phút. Đây hứa hẹn sẽ là động lực và đòn bẩy tạo ra mức đột phá để đưa thương hiệu Vinaconex trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tư xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Tiến Dũng