Tiền và “Triết đạo cà phê Trung Nguyên”

Lê Mỹ 27/02/2019 11:15

Sau vụ ly hôn nghìn tỷ thu hút sự chú ý của xã hội, điều mà tôi suy nghĩ không phải là câu hỏi mang tính “thời đại”: “Tiền nhiều để làm gì?” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

“Đứa con tinh thần của ông- với khao khát trở thành triết đạo cà phê, sẽ ra sao.

Với một đế chế ước tính sơ bộ tổng tài sản được đưa ra trong vụ ly hôn có giá khoảng 8.000 tỷ đồng (tương đương 344,76 triệu USD), thì Trung Nguyên tuy là vua của ngành cà phê Việt trong khoảng 15 năm qua, nhưng kích cỡ tài sản vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều ông lớn cà phê quốc tế khác. Ví dụ, Starbucks, dựa trên số liệu hiển thị tại sàn chứng khoán niêm yết Nasdaq với mã SBUX, chỉ riêng tổng doanh thu cuối 2018 đã có 6,6 tỷ USD.

 Trung Nguyên Legend - thương hiệu “tách đôi” khi hai đồng sở hữu Trung Nguyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tranh chấp

Trung Nguyên Legend - thương hiệu “tách đôi” khi hai đồng sở hữu Trung Nguyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tranh chấp

Dĩ nhiên, so sánh như vậy là một khập khiễng. Bởi kinh tế Việt Nam có “size” rất nhỏ so với Mỹ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam mà kích cỡ còn cần được lớn nữa để “bành trướng” toàn cầu, không thể mang khát vọng sáng tạo cho mình một “đạo” kinh doanh tầm vóc. Dù rằng, giá trị tài sản chỉ là một khía cạnh. Nhưng phần nào đó, nó còn là “đòn bẩy” mang ý nghĩa biện chứng (theo K.Marx), và có lẽ khá đúng trong trường hợp Trung Nguyên?

Bàn về chữ “đạo”

Từ nền vật chất, chúng ta nói đến “đạo”. Nếu “đạo” ở đây là đạo kinh doanh, thì trên thực tế, mỗi doanh nghiệp dù quy mô siêu vi mô, đều luôn có một “đạo”, một“chân lý”, nôm na là cách thức riêng trên thương trường. Từ cách thức kinh doanh buôn bán, mà xây dựng, phát triển thứ “đạo” này thành triết thuyết, giáo phái, người đứng đầu trở thành “giáo chủ”, có sức mạnh để thống nhất mọi giáo phái và trở thành giáo chủ của mọi giáo chủ, thì không vĩ nhân, chưa nói tới doanh nghiệp nào trên toàn cầu có thể làm được.

  Ông Đặng Lê Nguyên Vũ rất nhiều  lần nói về nghệ thuật, “triết lý” kinh doanh hàm ý như một “triết đạo”, từ sự phụng hiến cho cộng đồng để thu hút cộng đồng quan tâm đến sự riêng biệt của sản phẩm.  

Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu khẳng định, ngay cả với thương hiệu có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Microsoft hay Apple, cũng chưa làm được (hoặc họ không có ý định này). Việc xây dựng một triết thuyết, lưu ý không đồng nghĩa với kiến tạo văn hóa, làm thay đổi văn hóa sống hay tư duy, nhận thức, để từ đó thay đổi văn minh, ứng xử của con người. Công nghệ 4.0 với IoT, hay như chính Apple với “văn minh chạm - lướt” đã và đang là một phần của đời sống chúng ta, nhưng không hề có thứ “đạo Apple” nào. Rõ ràng, có những ranh giới, giới hạn, khá rõ nét, trong khái niệm doanh nghiệp đi kinh doanh để tạo ra một văn hóa. Cao hơn là một nền văn hóa, và xa rộng hơn nữa là một đạo, một triết thuyết - hay gộp như ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói, là một triết đạo.

Minh triết giữa hỗn độn?

Người Nhật có thể xây dựng được Trà đạo? Chúng ta tại sao không? Trong bài trả lời phỏng vấn vào 2014, ông Vũ đã nói điều này. Chỉ có điều như ông Võ Văn Quang chia sẻ, đối với người Nhật và thế giới, Trà Thiền là thức uống tĩnh. Còn cà phê là chất kích thích thì làm sao khi dùng cà phê mà có thể tĩnh lặng, hướng thiền? Do đó, ông Quang nói, giai đoạn hay nhất, đưa Trung Nguyên đến đỉnh thành công chính là 10 năm 2000-2010, khi định vị là cà phê “Sáng tạo”.

Lại nói, người Nhật có chado nhưng không phải để… bán trà. Trà Thiền vào Nhật, tiếp biến, trở thành văn hóa truyền thống của một quốc gia. 2018, người Nhật là một trong 5 quốc gia nhập khẩu chè (trà) lớn nhất thế giới. Vậy mà ai đi đến Nhật, cũng muốn mang về một gói trà xanh matcha mang biểu tượng ngọn núi Fuji.

Nhìn từ trà Nhật để trở lại với triết đạo cà phê của Trung Nguyên. Không thể phủ nhận thành công của Trung Nguyên kích thích vô vàn khát vọng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ hôm qua lẫn hôm nay. Nếu ai đó có thống kê nghiêm túc, tin rằng trong nhiều năm qua, khi tinh thần khởi nghiệp nhà nhà đều lên, thì mô hình quán cà phê chiếm lĩnh số đông về tỷ lệ. Mà phần nhiều trong số đó, đã mơ giấc khởi nghiệp để trở thành một ông Vũ Trung Nguyên mới.

Sự tâm huyết, tài năng, minh triết của ông Vũ có thật. Sự ngưỡng vọng của giới trẻ với ông Vũ cũng là có thật. Và sự hoài nghi những lẫn lộn, các mong muốn hỗn độn của ông, lại cũng có thật. Nhưng nếu chiến lược kinh doanh, tầm nhìn hay “triết đạo cà phê” của ông không được tiếp tục nuôi dưỡng bằng khát vọng của nhà kinh doanh và tách bạch khỏi những mong muốn hỗn độn, thì Trung Nguyên sẽ khó có gì đảm bảo vẫn vững bền. Bởi thế gian đã phủ bụi nhiều triết đạo từng là chân lý của một thời hay thậm chí một vài nền văn minh. Và không có minh triết nào sẽ mãi mãi là người dẫn đường, trong một tổ chức, một doanh nghiệp, một chính thể hoặc một quốc gia, nếu minh triết ấy không đủ rọi sáng hay năng lực dẹp bỏ những xung quanh hỗn độn.

Lê Mỹ