Ngân hàng ACB muốn thoái toàn bộ vốn tại Thuỷ Tạ

Theo Kinh tế & Tiêu dùng 19/03/2019 18:00

Ngân hàng Á Châu (ACB) hiện đang sở hữu 300.000 cổ phiếu CTCP Thủy Tạ, tương đương 10% vốn điều lệ.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo muốn bán 300.000 cổ phiếu CTCP Thủy Tạ (TTJ), tương ứng 10% vốn điều lệ theo phương thức thỏa thuận. Đây cũng là toàn bộ lượng cổ phiếu Thủy Tạ mà ACB nắm giữ. Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu TTJ hiện đang dao động quanh mức giá 38.000 đồng/đơn vị. 

Nhà hàng Cà phê Thủy Tạ là nhà hàng nổi duy nhất nằm bên cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Nhà hàng Cà phê Thủy Tạ là nhà hàng nổi duy nhất nằm bên cạnh hồ Hoàn Kiếm.

CTCP Thủy Tạ sở hữu 4 nhà hàng ẩm thực đều nằm ở những vị trí đắc địa của TP Hà Nội, đầu phố Lê Thái Tổ gồm Nhà hàng café Thủy Tạ, nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát).

Báo cáo tài chính 2017 ghi nhận doanh thu của Thủy Tạ đạt 102,5 tỉ đồng, giảm 7% so với năm trước đó. Trong đó doanh thu hoạt động nhà hàng đem về khoảng 34 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33%.

Đáng chú ý, với giá vốn hàng bán của hoạt động nhà hàng chỉ là hơn 12,5 tỷ đồng, người ta mới thấy biên lãi gộp mà hoạt động kinh doanh này ấn tượng đến mức nào, đạt trên 63%. Do nằm tại vị trí đất vàng hồ Hoàn Kiếm, đồ ăn thức uống tại Thủy Tạ thường đắt gấp hai đến ba lần tại các nhà hàng thông thường.

Một hoạt động khác nổi tiếng không kém chính là bán kem, kem Thủy Tạ đạt doanh thu 47,4 tỷ đồng trong năm 2017, chiếm tỷ trọng 46,2% trong cơ cấu doanh thu. Biên lãi gộp của mảng kem cũng đạt gần 37%.

Số liệu thống kê cho thấy việc biên lãi gộp mảng kinh doanh nhà hàng của Thủy Tạ luôn duy trì trên mức 60%, biên lãi gộp mảng bán kem sụt giảm vào giai đoạn 2014 nhưng gần đây đã tăng ổn định trở lại.

Thủy Tạ chính là công ty con của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một thành viên trong nhóm Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch HĐQT.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng