Doanh nghiệp “đối phó” với tăng giá điện thế nào?
Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận của nhà sản xuất vì rất khó để chuyển được vào giá thành cho người tiêu dùng trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Kể từ tháng 12/2017, tức sau hơn 2 năm giữ ổn định, ngày 20/3 vừa qua giá bán lẻ điện bình quân đã chính thức tăng với mức 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720,65 đồng/kWh đã tăng lên gần 1.850 đồng/kWh.
Liệu giá sản phẩm có tăng theo giá điện?
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Tiến Công - Tổng Giám đốc tập đoàn Inox Hoàng Vũ cho biết, ngành thép là ngành tiêu thụ năng lượng điện rất lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm thép không gỉ, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận nhà sản xuất.
“Chúng tôi có 6 nhà máy sản xuất, các sản phẩm đa dạng bao gồm cả sản phẩm bán sẵn và sản phẩm làm theo đơn đặt hàng, phục vụ cho các công trình. Chính vì vậy, doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể trong khâu sản xuất nhằm giảm chi phí do giá điện tăng. Và cũng rất khó để chuyển được vào giá thành cho người tiêu dùng trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay” – ông Vũ Tiến Công chia sẻ.
Tập đoàn Inox Hoàng Vũ đầu tư tổng cộng 6 nhà máy sản xuất thép, trong đó nhà máy lớn nhất đặt tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng, Hà Nội. Các mức giá điện hiện nay cũng phụ thuộc vào khung giờ cao điểm và thấp điểm, tuy nhiên giờ cao điểm thường là giờ hành chính ban ngày, nếu tăng cường sản xuất trong giờ thấp điểm lại rơi vào ban đêm, như vậy sẽ rất vất vả cho công nhân làm việc, doanh nghiệp vẫn đang “loay hoay” tính toán việc này.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Vương - Tổng Giám đốc công ty TNHH thương mại Hà Minh Anh cho rằng, điện vừa là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, vừa phục vụ đời sống tiêu dùng của người dân. Mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện, đều tác động lớn đến các doanh nghiệp sản xuất vì không thể điều chỉnh ngay giá dịch vụ, sản phẩm trước mắt. Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực y tế, có sự ưu đãi về giá điện, nhưng điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận hành của cơ sở.
Theo ông Vương, trong thời gian dài, người tiêu dùng mới chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều, vì doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác, buộc phải đẩy chi phí vào giá sản phẩm nhằm đảm bảo nguồn tài chính. Dù sao giá điện cũng đã tăng, doanh nghiệp nên bình tĩnh đón nhận và tìm giải pháp thích hợp, khó khăn tăng lên cũng là lợi thế cạnh tranh mới.
"Sau khi tăng giá 8,36% thì giá điện Viêt Nam sẽ còn thấp hơn các nước Thái Lan khoảng 05%, so với Philippines là thấp hơn 30% nhưng so với Indonesia sẽ cao hơn một chút. Tuy nhiên cần phải nói thêm là GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam thấp hơn các nước nói trên, vì vậy chỉ đơn thuần so sánh đơn giá điện sẽ không nói hết được tính cạnh tranh của giá điện Việt Nam so với khu vực" - ông Vương đưa ra quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Giá điện chính thức tăng sau 2 năm giữ bình ổn
02:37, 21/03/2019
Tăng giá điện: Hệ luỵ từ quy hoạch
10:08, 14/03/2019
Nghe giá điện tăng... doanh nghiệp thuỷ sản "sốc"
15:18, 12/03/2019
Phân bổ hợp lý các khoản chênh lệch tỷ giá vào giá điện
11:15, 10/03/2019
Giá điện “đè nặng” doanh nghiệp
12:20, 09/03/2019
Tăng giá điện: Đã đúng và trúng thời điểm?
11:08, 08/03/2019
Giá điện sẽ tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3
12:00, 05/03/2019
Sẽ có kịch bản điều chỉnh giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018
18:34, 03/12/2018
Cần tiết kiệm và cải tiến công nghệ
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã đề nghị EVN công khai điều chỉnh giá điện, áp giá đúng đối tượng, mở chiến dịch vận động người dân và khách hàng sử dụng tham gia chương trình quản lý nhu cầu, sử dụng tiết kiệm điện...
Bình luận về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, bởi tính độc quyền của ngành điện vẫn còn cao, chưa phải là thị trường rộng lớn, nhiều người mua và nhiều người bán, rất ít doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nên chưa tạo được thị trường cạnh tranh thực sự. Trước mắt, cần đặt ra vấn đề yêu cầu các đơn vị sản xuất sử dụng công nghệ, tiết kiệm điện năng để không bị lãng phí nguồn điện.
Có thể thấy, thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang chứng kiến làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, sự phát triển nhanh các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo vừa qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức. Chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất. Cùng với đó, yêu cầu sử dụng đất lớn, nhất là các dự án điện mặt trời cũng là một điểm bất cập.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Công - Tổng Giám đốc tập đoàn thép Hoàng Vũ khẳng định: “Nếu việc tăng giá điện có thể giúp đảm bảo an ninh nguồn năng lượng sản xuất và thúc đẩy việc phát triển năng lượng sạch, cũng như việc sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất tại Việt Nam thì doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ. Vấn đề là EVN cần phải chứng minh được khả năng quản lí hiệu quả, cũng như xây dựng niềm tin đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Lộ trình tăng giá điện nếu được chia thành nhiều đợt có lẽ doanh nghiệp sẽ bớt áp lực hơn”.
Các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch tiết kiệm năng lượng thông qua đầu tư, cải tiến, cũng như thay đổi hành vi của người lao động tại doanh nghiệp của mình.
Đưa ra nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Vương cho rằng, rất có thể giá điện trong thời gian tới sẽ còn biến động, tiến dần đến cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá điện phải có tăng, có giảm. Nhưng nếu giá điện tăng quá cao, cao hơn giá dầu thì rất có thể người dân và doanh nghiệp chuyển hướng sang sử dụng máy phát điện chạy dầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Giải pháp hiện giờ vẫn là chủ động về chính sách, kế hoạch kinh doanh, tích cực tìm kiếm giải pháp về công nghệ nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí sản xuất, tối ưu hoá nhu cầu sử dụng năng lượng.
"Việc tư nhân hóa ngành điện như một số nước đã làm, có thể sẽ làm ngành điện hoạt động hiệu quả hơn, ngân sách nhà nước ít áp lực hơn, nhưng cũng chưa chắc sẽ tạo ra được giá điện thấp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi vì doanh nghiệp cần phải tạo ra lợi nhuận trên đồng vốn đầu tư của mình". - ông Vương nói.
Bộ Công thương cho biết đã phối hợp cùng Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.
Theo đó, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3 sẽ làm CPI tăng 0,29-0,31%, khiến CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng này vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Tuy nhiên, bản chất CPI tăng phản ánh mức độ lạm phát và việc tăng giá điện để điều chỉnh lạm phát theo kỳ vọng hàng năm là cách giải thích chưa thuyết phục. Vì việc CPI tăng giảm đã có các chính sách tài khoá hay tiền tệ của Chính phủ, thông qua ngân hàng nhà nước và chính sách để điều chỉnh. Trong khi đó độc quyền tăng giá điện nhưng sản lượng điện ko thay đổi, thị trường vẫn thiếu hụt và việc cúp điện vẫn sẽ diễn ra.