"Ghế nóng" CEO trên thị trường gọi xe, giao nhận
Các CEO có thể phải ra đi nếu không làm được 3 mục tiêu cùng lúc là giữ chân tài xế, hài lòng khách hàng và duy trì tăng trưởng.
Cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2018, loạt nhân sự cấp cao của hai công ty về gọi xe và giao nhận hàng đầu trên thị trường đồng loạt từ chức. Tại Go-Viet, ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh cùng lúc rời khỏi vị trí tổng giám đốc và phó tổng giám đốc phụ trách phát triển.
Chỉ hai ngày sau khi Go-Viet công bố thông tin này, tại Ahamove, ông Nguyễn Xuân Trường cũng tuyên bố rời vị trí CEO Ahamove sau 3,5 năm điều hành. Trước ông Trường, một nhân sự cấp cao khác tại startup này là ông Trần Đức Huy - Giám đốc tiếp thị, cũng xác nhận thôi việc từ giữa tháng 3.
Một số bình luận cho rằng, việc các nhân sự cấp cao mảng gọi xe, giao nhận ra đi trong thời gian qua do sức ép cạnh tranh của thị trường. Trường hợp của Go-Viet hay Ahamove dễ khiến nhiều người liên tưởng đến Grab, vốn 'mạnh vì gạo, bạo vì tiền'. Tuy nhiên, người trong cuộc hoàn toàn phủ nhận sức ép này.
"Tôi rời Ahamove vì không còn phù hợp với định hướng của công ty và đã có định hướng mới từ đầu năm. Việc tôi hay anh Trường ra đi không phải vì sức ép hay tiền của Grab", ông Huy cũng nói trên trang cá nhân khi có thông tin ông Trường thôi làm CEO Ahamove.
Theo chia sẻ của một số người có thâm niên làm việc trong ngành, chiếc ghế CEO mảng gọi xe và giao nhận 'nóng' trước hết không phải bởi đối thủ mà vì các 'hậu trường' khác.
Thứ nhất, CEO trong startup mảng này có thể phải ra đi nếu không làm được 3 mục tiêu cùng lúc là giữ chân đối tác tài xế, hài lòng khách hàng và duy trì tăng trưởng. Chia sẻ với VnExpress, một nhân sự cấp cao có kinh nghiệm trong ngành giao nhận nhận định, với các CEO người Việt vốn không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mới như eLogistics thì 'cuộc chơi này đầu tiên là cuộc chơi vượt lên chính mình'.
eLogistics kiểu gọi xe chở người hay chở hàng, vốn có nhiều thách thức về công nghệ, hạ tầng, hành lang pháp lý... nên áp lực lớn đặt lên CEO. Họ phải điều hành startup trong tình thế có phần 'vừa chạy vừa bịt mắt. Khi tìm ra chiến lược kinh doanh phù hợp, việc duy trì tăng trưởng lại càng khó, giữa quy mô 10 tài xế với 50.000 tài xế thì việc quản lý đã rất khác.
"Về bản chất thì tài xế của những mô hình này được xem là đối tác chứ không phải người thuộc công ty. Vì vậy, vừa chiều lòng, vừa quản lý đối tác, lại phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng và tiếp tục tăng trưởng là vấn đề rất lớn", vị này bình luận.
Thứ hai, phong cách làm việc của CEO không còn phù hợp với công ty hoặc nhà đầu tư cũng có thể là nguyên nhân. Đây là hai trong bốn lý do phổ biến được bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search đưa ra cho việc các CEO startup công nghệ muốn từ chức.
"Khi công ty phát triển đến quy mô lớn hơn, những ứng viên không phù hợp với phong cách làm việc có tổ chức, mà chỉ phù hợp với phong cách làm việc tự do sáng tạo như startup thường nghỉ để chuyển sang một startup khác. Cùng với đó, việc không tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến các CEO thôi việc", bà Mai nói. Bên cạnh đó, một lý do khác còn là startup hết tiềm năng phát triển trong khi CEO kiêm nhà sáng lập vốn có mục tiêu khởi nghiệp để bán.
Thứ ba, phần nhiều không đúng với trường hợp của Go-Viet hay Ahamove nhưng sức ép cạnh tranh có thể đẩy một CEO trong ngành eLogistics rời ghế là có thật. Khi được hỏi về áp lực chính mà các CEO ngành gọi xe, giao nhận có thể gặp là gì, CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất trả lời ngắn gọn là 'tiền'. "Startup Platform là cuộc chơi của những cái đầu lạnh. Hào quang hôm nay, dễ 'chết' ngày mai vì số càng cao thì tiền đốt càng lớn", ông Tuất nói.
Bà Nguyễn Phương Mai cho biết thêm, nhân lực tại thị trường Việt Nam rất dồi dào nhưng những ứng viên cấp cao phù hợp dẫn dắt startup rất khan hiếm bởi các doanh nghiệp này không ổn định, đòi hỏi sự linh hoạt, sự nhanh chóng thích ứng, chấp nhận rủi ro. Mức lương tại các startup cũng không cao. Tuy nhiên, nếu startup thành công thì họ sẽ được chi trả bằng việc sở hữu cổ phần.
"Riêng vị trí CEO cho các startup có sự đầu tư từ những chủ đầu tư lớn thì hầu hết nhà đầu tư sẽ chủ động chỉ định. Bởi họ sẽ tin tưởng giao doanh nghiệp cho những ứng viên đã biết rõ, từng làm việc chung, có sự tín nhiệm nhất định... Thông thường, những ứng viên này sẽ đến từ các công ty tư vấn chiến lược, quỹ đầu tư, hoặc các công ty Big Four (nhóm 4 các công ty tư vấn và kiểm toán hàng đầu thế giới)", bà Mai nói.