Cá lớn sẽ nuốt cá bé trên thị trường thép?

Linh Lan 28/04/2019 16:30

Tốc độ tăng thị phần của thép Hòa Phát sau khi dự án Gang Thép Dung Quất vận hành có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thép khác lún sâu vào vòng xoáy khó khăn.

“Doanh thu mới là yếu tố quan trọng nhất vì doanh thu thể hiện thị phần” - ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát tuyên bố tại Đại hội đồng cổ đông được tổ chức cuối tháng Ba vừa qua, với hàm ý thị phần sẽ là mục tiêu quan trọng nhất của Hòa Phát trong thời gian tới.

p/Cuộc chiến giành thị phần giữa các doanh nghiệp thép sẽ càng khốc liệt khi dự án thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát đi vào vận hành nửa cuối năm 2019.

Cuộc chiến giành thị phần giữa các doanh nghiệp thép sẽ càng khốc liệt khi dự án thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát đi vào vận hành nửa cuối năm 2019.

Mục tiêu thị phần

Dù đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 22% so với năm 2018, Tập đoàn này đã lên kế hoạch doanh thu đạt tới 70.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Tất nhiên, với mảng kinh doanh cốt lõi là thép, phần lớn doanh thu vẫn sẽ đến từ thị trường thép.

Yếu tố để Hòa Phát tự tin mở rộng thị phần là tiến độ xây dựng giai đoạn đầu của nhà máy thép Dung Quất tại Quảng Ngãi đã hoàn thành.

Có thể bạn quan tâm

  • Đối phó với biến động thị trường thép

    Đối phó với biến động thị trường thép

    06:00, 11/03/2019

  • Thị trường thép Việt 2019: Tiếp tục dư cung nhưng giảm rủi ro nhập khẩu

    Thị trường thép Việt 2019: Tiếp tục dư cung nhưng giảm rủi ro nhập khẩu

    11:30, 17/01/2019

  • Nguy cơ phá sản thị trường thép

    Nguy cơ phá sản thị trường thép

    00:00, 29/07/2013

  • Thị trường thép đang mất cân đối

    Thị trường thép đang mất cân đối

    00:00, 14/08/2011

Ông Long cho biết dự kiến trong tháng 6/2019, lò cao số 1 của nhà máy thép Dung Quất sẽ đi vào hoạt động, chính thức cung cấp các sản phẩm thép ra thị trường. Có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, Dung Quất có công suất 4 triệu tấn thép mỗi năm. Với công suất như vậy, nhà máy này sẽ giúp Hòa Phát gia tăng nguồn cung đáng kể và trở thành một trong hai công ty sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cùng với Fomosa Hà Tĩnh.

Thực tế thì chưa cần Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát đã tăng mạnh thị phần. Thông tin từ Hòa Phát cho biết, trong những tháng đầu năm nay, thị phần hai sản phẩm chủ lực là thép xây dựng và ống thép của tập đoàn này đã tăng lên 26% và 30%, so với mức 23,8% và 27,5% cuối năm 2018.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, với vị thế trên thị trường và quy mô sản xuất nắm trong tay hiện tại, mở rộng thị phần lên theo cấp số nhân có lẽ không phải là một nhiệm vụ khó khăn với Hòa Phát trong những năm tới. Do điều kiện địa lý các nhà máy thép của Hòa Phát hiện tại đều nằm ở phía Bắc, nên 65% sản lượng tiêu thụ của tập đoàn này hầu hết cũng tập trung ở khu vực phía Bắc.

Tại Đại hội đồng cổ đông, ông Long cho biết, tập đoàn này sẽ mở rộng thị phần hơn nữa bằng cách tiến xuống phía Nam. Chiến lược đó thực tế đã bắt đầu được thực hiện. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng khu vực phía nam của Hòa phát trong quý I năm nay đã tăng gấp 2,2 lần so với quý I năm trước, trong khi khu vực miền Trung cũng tăng trưởng tới 87%. Đây là dấu hiệu cho thấy thép Hòa Phát đã nhanh chóng chiếm lĩnh thêm thị phần tiêu thụ ngay khi có sản lượng tăng thêm từ nhà máy Dung Quất vốn có vị trí địa lý thuận lợi tiếp cận thị trường phía Nam.

Lấn át đối thủ

Trong một báo cáo phân tích về thị trường thép, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra nhận định rằng, ngoài những khó khăn cạnh tranh với thép nhập khẩu Trung Quốc, thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép với nhau trong năm 2019 cũng sẽ nhiều áp lực hơn. Đặc biệt với sản phẩm thép xây dựng, tâm điểm cạnh tranh có thể là ở khu vực miền Nam bởi vì các sản phẩm của nhà máy Dung Quất của Hòa Phát cần tìm thị trường mới.

Phân tích trên của công ty Rồng Việt cũng trùng với lo ngại của nhiều công ty thép trong nước. Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, hồi đầu năm đã từng bảy tỏ lo lắng cuộc chiến giành thị phần giữa các doanh nghiệp thép càng khốc liệt hơn khi dự án thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát đi vào hoạt động.

Thực tế Hòa Phát là doanh nghiệp thép hiếm hoi đang ăn nên làm ra trên thị trường thép trong bối cảnh hiện tại. Năm 2018 lợi nhuận của tập đoàn này đạt hơn 8.100 tỷ đồng. Sang năm 2019, trước những khó khăn từ giá nguyên liệu đầu vào tăng và chi phí khấu hao cho nhà máy Dung Quất, mức lợi nhuận mục tiêu tập đoàn này đặt ra là 6.700 tỷ, con số có nằm mơ chắc nhiều doanh nghiệp thép khác trên thị trường trong nước cũng không mơ tới.

Trong khi đó, Tổng công ty Thép Việt Nam, lợi nhuận năm 2018 của 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư của tổng công ty chỉ đạt 1.212 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2017. Trong hệ thống, chỉ có 14 công ty hoàn thành kế hoạch, có mức tăng trưởng. Số còn lại không hoàn thành kế hoạch hoặc hoàn thành nhưng không có tăng trưởng.

Còn Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO), biểu tượng ngành thép một thời của Việt Nam, lại đang đứng sát bên bờ vực phá sản. "Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời,” báo cáo HĐQT của TISCO nêu rõ.

Cùng chung cảnh thua lỗ còn có Công ty Thép Việt Ý. Năm 2018, doanh thu thuần của Thép Việt Ý đạt 5.229 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước và hoàn thành 74% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 326 tỉ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi 43,5 tỉ đồng. Lỗ lũy kế tính tại 31/12/2018 là 326 tỉ đồng.

Rõ ràng, với nhiều doanh nghiệp thép khác, việc Hòa Phát đưa nhà máy Dung Quất vào hoạt động sẽ không phải là tin vui.

Linh Lan