Viglacera: Chuyển sàn mong đổi vận
Theo kế hoạch, vào tháng 5, Viglacera (VGC) sẽ chuyển niêm yết sang sàn TP.HCM (HoSE).
Đây là thông tin đáng chú ý bởi Viglacera là doanh nghiệp lớn, với hơn 4.483 tỉ đồng vốn điều lệ, từng muốn chuyển sàn vào đầu năm nay. Tuy nhiên, vì lý do đấu giá thoái vốn nhà nước, công ty này đã hoãn kế hoạch, nộp lại hồ sơ và hoàn tất thủ tục chuyển sàn.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, việc chuyển sàn niêm yết đối với Viglacera rất quan trọng, hứa hẹn hỗ trợ Bộ Xây dựng thoái hết vốn khỏi đây. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang nắm hơn 241 triệu cổ phiếu VGC, tương đương xấp xỉ 54% vốn điều lệ ở Viglacera. Ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, từng chia sẻ, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch giảm nắm giữ ở Viglacera, từ gần 54% xuống dưới 36% (năm 2018) và về 0% (năm 2019). Kế hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng ở cả 2 lần tổ chức đấu giá, Bộ Xây dựng vẫn chưa thoái được vốn như mong muốn.
Giá chào bán cao hơn giá thị trường là một trong những lý do khiến Bộ Xây dựng chưa thoái được vốn như kỳ vọng. Điều này khiến nhà đầu tư tài chính chần chừ, nhất là khi Dragon Capital đã thoái vốn gần 9% vốn điều lệ tại Viglacera chỉ với giá chưa tới 21.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, việc chuyển sàn niêm yết đối với Viglacera rất quan trọng, hứa hẹn hỗ trợ Bộ Xây dựng thoái hết vốn khỏi đây. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang nắm hơn 241 triệu cổ phiếu VGC, tương đương xấp xỉ 54% vốn điều lệ ở Viglacera. Ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, từng chia sẻ, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch giảm nắm giữ ở Viglacera, từ gần 54% xuống dưới 36% (năm 2018) và về 0% (năm 2019). Kế hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng ở cả 2 lần tổ chức đấu giá, Bộ Xây dựng vẫn chưa thoái được vốn như mong muốn.
Giá chào bán cao hơn giá thị trường là một trong những lý do khiến Bộ Xây dựng chưa thoái được vốn như kỳ vọng. Điều này khiến nhà đầu tư tài chính chần chừ, nhất là khi Dragon Capital đã thoái vốn gần 9% vốn điều lệ tại Viglacera chỉ với giá chưa tới 21.000 đồng/cổ phiếu.
Phải là nhà đầu tư chiến lược, nhìn thấy tiềm năng ở Viglacera mới chấp nhận trả giá cao hơn thị trường. Nhưng cách thức Bộ Xây dựng chia nhỏ lượng cổ phiếu VGC để bán đã khiến nhà đầu tư e ngại. Xét về kinh doanh, tuy Viglacera nổi bật ở mảng vật liệu xây dựng, với 35% thị phần kính xây dựng, 11% thị phần ngành sứ vệ sinh, 12% thị phần gạch granite, 31% thị phần ngói... nhưng các ngành này những năm gần đây khá biến động. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nguồn cung kính xây dựng đã tăng gấp đôi khiến các công ty trong mảng này phải giảm giá bán để tăng cạnh tranh.
Riêng mảng sứ vệ sinh, sen vòi dù tăng trưởng ổn định nhưng lại đóng góp không lớn vào doanh thu, chỉ chiếm 11% doanh thu Công ty. Trong lĩnh vực gạch ốp lát và gạch Cotto, chiếm khoảng 54% doanh thu của Viglacera, thách thức đến từ cạnh tranh cao. Vì thế, kinh doanh trong mảng này phải nhờ đến khả năng tiêu thụ của thị trường, giá bán hợp lý và tái cơ cấu sản phẩm.
Ở lĩnh vực hạ tầng và bất động sản, Viglacera sở hữu 9 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 2.500ha, lớn hơn nhiều các doanh nghiệp cùng ngành như Kinh Bắc, Tân Tạo, Long Hậu... Trong đó, hàng ngàn hecta khu công nghiệp đã cho gần 250 công ty thuê, với nhiều đối tác lớn như Samsung, Canon, Orion và Sumitomo...
Viglacera cũng đang sở hữu hàng chục dự án khu đô thị, nhà ở và văn phòng cho thuê. Nhiều dự án như Khu nhà ở Đại lộ Thăng Long, Khu nhà ở 671 Hoàng Hoa Thám... có vị trí đắc địa tại Hà Nội, được đánh giá cao về tiềm năng sinh lợi. Với các lợi thế và tài sản này, triển vọng kinh doanh cho Công ty là không nhỏ. Nhưng những năm qua, theo đánh giá chung, Công ty sử dụng tiềm lực chưa tương xứng tầm vóc. Giai đoạn 2016-2018, trong khi tài sản tăng 41%, vốn chủ sở hữu tăng hơn 100% thì lợi nhuận trước thuế của Viglacera hầu như không tăng.
Trong năm 2019, Viglacera đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế khoảng 950 tỉ đồng và tăng thêm 50 tỉ đồng/năm cho 2-3 năm sau. Giả sử Viglacera hoàn thành đúng kế hoạch thì hiệu suất sinh lời của Công ty vẫn không hấp dẫn. VDSC cho rằng, tín hiệu lạc quan là Công ty đang tìm cách tập trung, chuyển đổi. Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera đang hướng đầu tư vào mảng kính tiết kiệm năng lượng (Low-e). Đây là loại kính sẽ được sử dụng phổ biến trong 1-2 năm tới, nhất là ở các tòa nhà cao cấp. Vì thế, Viglacera đang đầu tư nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ (600 tấn/ngày) và dự kiến đưa nhà máy vào hoạt động từ năm 2020. Bên cạnh đó, Viglacera cũng đầu tư nhà máy sứ Mỹ Xuân cho mục đích tăng chất lượng sản phẩm và xuất khẩu. Công ty kỳ vọng, 2 nhà máy sẽ mang lại lợi thế và phân khúc sản phẩm riêng trong dài hạn.
Về mảng gạch ốp lát, Viglacera có những chuyển đổi bộ máy tổ chức và nâng cao hiệu quả ở nhà máy Tiên Sơn. Theo VDSC, đây là dấu hiệu tích cực trong nỗ lực tái cơ cấu của Viglacera. Ở lĩnh vực hạ tầng, sự gia tăng nguồn vốn FDI từ Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan và dịch chuyển sản xuất của Trung Quốc đang tạo điều kiện thuận lợi cho Viglacera. Công ty đã có kế hoạch đầu tư mở rộng như đầu tư Khu công nghiệp Yên Phong, Khu công nghiệp Yên Mỹ (Hưng Yên), đầu tư giai đoạn 2 Khu công nghiệp Đồng Văn IV, Khu công nghiệp Đông Mai, Khu công nghiệp Phú Hà…
Đáng chú ý, Viglacera có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài. Năm ngoái, công ty này đã chi 19 triệu USD để lập công ty liên doanh Sanvig với Công ty Prodimat (thuộc Geicon, Cuba) theo tỉ lệ 50/50 để đầu tư cải tạo Nhà máy gạch ốp lát Santa Cruz và Nhà máy sứ vệ sinh San Jose. Ngoài ra, tháng 7.2018, Viglacera cũng rót 37 triệu USD để lập Công ty ViMariel S.A, chi nhánh ở Cuba, chuyên về hạ tầng.
Rõ ràng, ở Viglacera có những tiềm năng tăng trưởng. Điều này lý giải vì sao, Gelex tìm cách đầu tư sở hữu tại công ty này và hiện nhóm Gelex là cổ đông lớn thứ 2, nắm gần 10% vốn điều lệ, chỉ đứng sau Bộ Xây dựng. Viglacera vẫn cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, trong thoái vốn cổ phần, trong quản trị điều hành theo hướng minh bạch chuyên nghiệp, đầu tư vào công nghệ, sản phẩm giá trị cao, để bứt phá và thu hút nhà đầu tư chiến lược.