Hải Phòng: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước “ì ạch” vì vướng cơ chế

Lan Vũ 05/07/2019 00:01

Theo kế hoạch, đến hết quý 3/2019 TP Hải Phòng phải hoàn thành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa 3 doanh nghiệp này đang bị chậm tiến độ.

Bà Trần Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hải Phòng cho biết, theo kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn năm 2017-2020 Hải Phòng sẽ thực hiện cổ phần hóa 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty TNHH MTV thoát nước, Công ty TNHH MTV TM ĐT phát triển đô thị trong năm 2019. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa 3 doanh nghiệp này đang bị chậm tiến độ do có nhiều khó khăn vướng mắc.

Đến thời điểm này, UBND TP Hải Phòng chưa ban hành quyết định cổ phần hóa mà mới dừng lại ở việc ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa với 3 doanh nghiệp trên. Vì theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Do đó, Sở Tài chính phải xem xét phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp nêu trên.

"Hiện, Sở Tài chính đã có Văn bản số 1069/STC-GCS trình UBND TP phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của Công ty TNHH MTV Thoát nước làm cơ sở để UBND TP phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi quyết định cổ phần hóa" - bà Yến cho biết thêm.

tài sản từ hệ thống đường cống đến công nghệ, thiết bị rồi vốn vay ODA chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước của Ngân hàng thế giới, khi đánh giá lại giá trị tài sản để đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì xác định ra sao?

Tài sản từ hệ thống đường cống đến công nghệ, thiết bị rồi vốn vay ODA chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước của Ngân hàng thế giới, khi đánh giá lại giá trị tài sản để đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì xác định ra sao?

Theo Sở KH-ĐT, quá trình xây dựng, phê duyệt phương án sắp xếp lại, sử dụng nhà đất gặp nhiều khó khăn bởi 2/3 doanh nghiệp kể trên có nhiều tài sản gắn với kết cấu hạ tầng như hệ thống cống, thiết bị xử lý rác thải, nước thải…

Đây là những đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, hạch toán như đơn vị sự nghiệp. Nguồn thu của các đơn vị này một phần từ phí, một phần ngân sách cấp hoặc ngân sách cấp toàn bộ. Do điều kiện ngân sách hạn chế, nên chủ yếu chỉ bảo đảm các khoản chi thường xuyên, chưa thực hiện đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích nên việc phân loại tài sản đang gặp nhiều khó khăn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng đặt câu hỏi, tài sản từ hệ thống đường cống đến công nghệ, thiết bị rồi vốn vay ODA chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước của Ngân hàng thế giới, khi đánh giá lại giá trị tài sản để đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì xác định ra sao? Nếu đưa các tài sản này thuộc tài sản Nhà nước, thì tài sản của doanh nghiệp sau cổ phần hóa không còn đáng kể.

Hiện nay, Chính phủ đã có quy định về hệ thống thoát nước, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Song, lại chưa có quy định hạ tầng xã hội đối với hoạt động xử lý chất thải rắn. Do vậy, khi xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng gặp vướng mắc lớn trong việc phân loại và xác định giá trị tài sản thuộc Dự án quản lý và xử lý chất thải rắn do công ty làm chủ đầu tư. Nếu phân loại tài sản để cổ phần hóa thì doanh nghiệp hầu như không có tài sản gì để hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Còn với trường hợp của Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư phát triển đô thị là đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ chủ yếu thực hiện các dự án kinh doanh hạ tầng đô thị, với nguồn vốn đầu tư lớn và kiêm làm chủ đầu tư các dự án thuộc ngân sách khu vực Ngã 5 - Sân bay Cát Bi; Dự án Lạch Tray - Hồ Đông. Hiện nay, các hạng mục dự án đang thực hiện dở dang do chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng xong.

Trong đó, 13ha đã bán, thu tiền của nhà đầu tư nhưng đến nay chưa có mặt bằng bàn giao. Do vậy, khi thực hiện xác định giá trị, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về việc xử lý tài sản, tài chính và mô hình quản lý dự án sau cổ phần hóa. Khoản chi phí phát sinh thêm quá lớn sẽ khó có đơn vị nào có thể tiếp nhận và nếu công ty không còn là chủ đầu tư thì chắc chắn phát sinh khiếu kiện, gây xáo trộn, bất ổn.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Dân nhận đất tái định cư gần 10 năm vẫn

    Hải Phòng: Dân nhận đất tái định cư gần 10 năm vẫn "dài cổ" chờ sổ đỏ

    15:03, 04/07/2019

  • Hải Phòng: Sân bay, cảng biển “đóng cửa” chờ bão tan

    Hải Phòng: Sân bay, cảng biển “đóng cửa” chờ bão tan

    06:45, 04/07/2019

  • Bão số 2: Hải Phòng đình chỉ các tuyến vận tải hành khách

    Bão số 2: Hải Phòng đình chỉ các tuyến vận tải hành khách

    15:36, 03/07/2019

Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị Ban chỉ đạo TƯ tổng hợp tình hình các địa phương, nhất là hoạt động của các doanh nghiệp công ích tại các thành phố lớn và xem xét cách giải quyết phú hợp. Có thể xem xét lại cổ phần chi phối tại một số doanh nghiệp hoạt động công ích để bảo đảm sự ổn định.

Theo ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp TƯ, những vướng mắc của Hải Phòng có nhiều điểm tương đồng đối với một số địa phương, ngành. Đồng thời, đề nghị Hải Phòng, trong trường hợp cần thiết, thành phố có thể làm văn bản xin gia hạn cùng với lộ trình thực hiện. Ban chỉ đạo sẽ tổng hợp những kiến nghị của thành phố, doanh nghiệp cùng với các địa phương khác để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lan Vũ