Doanh nghiệp Bình Dương đang “khát” lao động
Có một thực trạng hiện nay mà cả doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý tỉnh Bình Dương đang lo ngại đó là thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,
Tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 40.000 doanh nghiệp trong nước, con số này sẽ ngày càng tăng khi mà nhiều doanh nghiệp đánh giá Bình Dương có môi trường đầu tư tốt, hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện…
Trong năm 2018 và 6 tháng năm 2019, tỉnh Bình Dương đã thu hút được trên 3 tỷ 654 triệu đô la Mỹ vốn FDI, lũy kế đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 3.639 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 33 tỷ 760 triệu đô la Mỹ (Bình Dương hiện đứng vị trí thứ Ba trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội- PV).
Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay mà cả doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương này đang lo ngại đó là thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là bài toán có ý nghĩa lâu dài đối với một tỉnh phát triển công nghiệp như Bình Dương.
Bà Phạm Thị Duyên - Trưởng phòng cấp cao sản xuất Công ty TNHH Apparel Far Eatern VN (KCN VSIP) cho biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất nên doanh nghiệp cần tuyển khoảng 2.000 lao động, tuy nhiên việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, có khi cả tháng không tuyển được người nào. Do đó doanh nghiệp phải đưa ra rất nhiều chính sách để thu hút người lao động, thậm chí khi tuyển được phải bố trí xe công ty đến tận nhà để đón và phải kiếm chỗ ở cho họ luôn.
Có thể bạn quan tâm
Thực hư về việc dự án Marina Tower - Bình Dương xây dựng trái phép
12:15, 23/07/2019
Bình Dương, Đồng Nai dịch chuyển nguồn cung bất động sản
11:05, 06/07/2019
Các FTA, làn sóng đầu tư từ FDI tác động thế nào tới nhu cầu tuyển dụng?
10:29, 08/08/2019
Vốn FDI vào bất động sản giảm: Không quá lo lắng
06:30, 07/08/2019
Tại các buổi hội nghị đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với doanh nghiệp FDI, cũng như với các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh, vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất vẫn là về nguồn nhân lực.
Ông Kim Won Sik - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương (Kocham Bình Dương) cho rằng việc tìm nguồn nhân lực phục vụ cho công việc sản xuất của doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực.
Từ đó, vị Chủ tịch Kocham Bình Dương đặt vấn đề: “Chúng tôi biết vấn đề này là các doanh nghiệp phải chủ động nhưng việc phát triển của các doanh nghiệp có tốt thì nền kinh tế của tỉnh Bình Dương mới phát triển mạnh. Chính vìthế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp để chúng tôi và doanh nghiệp nước ngoài nói chung được yên tâm đầu tư lâu dài tại tỉnh Bình Dương”, ông Kim Won Sik nói.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, câu chuyện thiếu nguồn nhân lực không phải chỉ là vấn đề của Bình Dương mà đó là khó khăn chung của cả nước, do sự phát triển của nhiều nhà máy trên cả nước nên đã có sự dịch chuyển lao động về các địa phương.
Ông Nam khẳng định, đây là vấn đề nội tại của tỉnh, không ai có thể giúp được và cũng không thể bỏ ra cả đống tiền để thu hút lao động khắp cả nước. Đồng thời, cho rằng, "sự liên thông, phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề với doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện có hiệu quả thời gian tới, không để tình trạng đào tạo ồ ạt học viên, nhưng khi ra trường lại không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp", ông Nam nói.
Thời gian qua, để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực, ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo nghề thì tỉnh Bình Dương còn chủ động liên hệ với các tỉnh, thành khác trong cả nước để cung ứng lao động cho tỉnh, đồng thời giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế cho người lao động để giúp họ an tâm làm việc.
Vài năm về trước, tỉnh Bình Dương cũng đã tuyên bố chỉ thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ít thâm dụng lao động và doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, rõ ràng địa phương này đã có tính toán và tìm thấy hướng đi phù hợp với xu thế.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, hiện nay trung tâm đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với tổng số gần 97.000 lao động. Trong đó, gần 70.000 lao động phổ thông, chiếm khoảng 71%; còn lại hơn 27.000 lao động chuyên môn và lao động kỹ thuật, chiếm khoảng 29%. Những doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động hầu hết là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, gỗ... Tuy nhiên, do tuyển dụng số lượng lao động lớn nên nguồn cung lao động ở Bình Dương hiện vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. |