Xin ưu đãi cho dự án thua lỗ: Đừng mạo hiểm
Theo chuyên gia, đối với các dự án thua lỗ, tốt nhất là nên bán đi, kể cả bán với giá sắt vụn vì để càng lâu Nhà nước càng mất tiền.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) vừa đề xuất xin ưu đãi, ưu tiên cho một số dự án thua lỗ thuộc quản lý của Ủy ban.
Đó là một số dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ, bao gồm: dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà bắc và DAP số 2 Lào Cai. Ngoài ra còn có dự án Muối mỏ Kali tại Lào hiện đã tạm dừng hoạt động.
Trước đó, giải pháp được các doanh nghiệp đề xuất vẫn là "kéo dài thời hạn vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay ngân hàng thương mại, tiếp tục được vay vốn lưu động để duy trì đảm bảo sản xuất - kinh doanh, khoanh nợ để có thời gian phục hồi sản xuất".
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều bày tỏ quan điểm không nên mạo hiểm ưu đãi, ưu tiên cho các dự án thua lỗ, yếu kém.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết: "Muốn trị được bệnh thì phải có bác sĩ, đặc biệt bệnh hiểm nghèo càng cần tới bác sĩ giỏi. Cứu các dự án thua lỗ phải có liều thuốc tốt, bác sĩ giỏi, nếu chỉ đề nghị ưu đãi, ưu tiên cho chúng thì đó không phải là thuốc tốt" .
Theo Phó Chủ tịch VAFI, sự việc trên cho thấy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu xử lý các dự án thua lỗ khi lại đi vào vết xe đổ xin-cho của doanh nghiệp nhà nước, hễ gặp khó khăn là xin ưu đãi, ưu tiên.
Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đối với những dự án thua lỗ, kể cả có người quản trị giỏi đi chăng nữa, giải pháp tốt nhất là bán chúng đi, kể cả Nhà nước có bị thệt hại vốn.
"Thực chất vốn nhà nước đã bị mất rồi. Đừng nghĩ là phải bán các dự án còn nguyên trạng. Những dự án đó càng để lâu Nhà nước càng mất tiền bởi lãi mẹ đẻ lãi con, tài sản bị bốc hơi, tham nhũng, tiêu cực... Vì thế phải bán công khai, đừng ưu tiên, ưu đãi gì cả, thậm chí có những cái phải bán với giá sắt vụn.
Có dự án công nghệ lạc hậu, dây chuyền sản xuất chỉ là sắt vụn nhưng vẫn còn quyền sử dụng đất nên vẫn có thể còn ra tiền", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Cùng chia sẻ quan điểm này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, việc chuyển 12 dự án thua lỗ của ngành công thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã bị coi như đá quả bóng trách nhiệm sang cơ quan này. Bây giờ, lại có đề xuất ưu tiên, ưu đãi cho một số dự án thua lỗ lại cho thấy sự mạo hiểm không cần thiết.
"Trong số 12 dự án thua lỗ chỉ có 3 dự án khả quan, đối với những dự án còn lại tại sao không tính toán, cân nhắc bán hết hoặc cho phá sản để thu hồi vốn nhà nước được chừng nào hay chừng ấy?
Nói như vậy là phải có sự phân loại, tách bạch: dự án nào đầu tư thêm được, dự án nào phải bán đồng nát? Điều này đòi hỏi phải có hội đồng kỹ thuật, hội đồng chuyên gia và cơ quan có trách nhiệm tiến hành thẩm định, đánh giá rồi mới quyết định làm như thế nào", GS.TS Đặng Đình Đào nói.
"Phải có sự cam kết, chịu trách nhiệm rõ ràng, không thể để xảy ra tình trạng cứ ưu tiên, ưu đãi cuối cùng cứu không xong lại đổ lỗi. Nếu không có sự cam kết, đảm bảo đó thì tốt nhất là nên bán sắt vụn", ông Đào nhấn mạnh.
Về tình hình của 3 dự án mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ưu tiên, ưu đãi, đây đều là các dự án khó khăn, yếu kém của Vinachem, trong đó dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong những dự án 'sa lầy' nặng nhất.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem từng phải thừa nhận thực trạng nguy ngập của nhà máy này trong các tháng đầu năm 2019, thậm chí căng thẳng tới mức có nguy cơ kéo sập cả tập đoàn nếu nhà máy rơi vào phá sản.
Theo ông Cường, có thời điểm Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc nhóm khách hàng “cá biệt” tới mức không ngân hàng nào cho vay, chủ yếu hoạt động theo phương thức khách hàng ứng tiền, rồi được đem đi mua than để chạy.
Báo cáo của Bộ Công thương chỉ rõ, việc vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhà máy cũng trong nguy cấp do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất. Chưa kể những khó khăn, phức tạp kéo dài liên quan đến tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC) với nhà thầu nước ngoài chưa được xử lý.
Hai dự án còn lại là Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai cũng không khá hơn, tình trạng lỗ tiếp tục kéo dài. Trong đó, Nhà máy Đạm Hà Bắc tính đến hết quý I/2019 lỗ luỹ kế đã lên tới 2.705,4 tỷ đồng.