Tân Tạo sẽ giải quyết "cục nợ" Nhiệt điện Thiên Lương thế nào?

Nha Trang 10/09/2019 10:29

Số phận dự án nhiệt điện Kiên Lương chưa rõ ràng khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu của Tân Tạo.

Theo đơn vị kiểm toán, tại thời điểm cuối tháng 6/2019, CTCP Tập đoàn Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) ghi nhận khoản đầu tư vào các CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC2) với giá trị lần lượt là 1.753 tỷ đồng và 418 tỷ đồng và khoản phải thu từ TEDC là 1.343 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan của ITA với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng.

"Nhùng nhằng" tại dự án tỷ đô

Đơn vị kiểm toán lưu ý, ITA chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu này do phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án nhiệt điện Kiên Lương.

Phản hồi ý kiến trên, Tân Tạo cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình kiến nghị lên các cơ quan nhà nước để làm rõ vấn đề dự án Nhiệt điện Kiên Lương không được phê duyệt như kế hoạch ban đầu; Tân Tạo cũng đang xin tiếp tục triển khai vào dự án điện Quốc gia theo kế hoạch dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021.

Tại ngày 30/6/2019, trung tâm nhiệt điện Kiên Lương có chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn hơn 572 tỷ đồng. Quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng tại dự án này đã được thế chấp cho các khoản vay dài hạn tại ngân hàng (hơn 405 tỷ đồng).

Ban Giám đốc cũng đánh giá, giá trị đầu tư vào TEDC, TEC 2 và công nợ phải thu TEDC được đảm bảo bằng tài sản cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và giá trị diện tích đất của dự án tại ngày lập BCTC soát xét bán niên 2019.

Phía Tân Tạo cũng cho biết công ty vẫn tiếp tục bám sát cơ quan, ban ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án này vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Công ty đã đánh giá khả năng thu hồi bằng cách ước tính giá trị thanh lý dự án theo giá bất động sản tại khu vực lân cận. Ước tính khoản tiền thu từ việc thanh lý đủ để hoàn trả nên công ty vẫn ghi nhận số tiền đầu tư theo giá gốc, không bị suy giảm và không trích lập dự phòng.

 Công Tân Tạo gắn liên với sự mất tích bí ẩn của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.

Công Tân Tạo gắn liền với sự mất tích bí ẩn của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.

Ghi nhận trên BCTC, Công ty đang có khoản phải thu trên 1.287 tỷ đồng từ việc cho TEDC thuê đất của Tân Tạo tại khu Nhiệt điện Kiên Lương, số tiền này sẽ đến hạn vào ngày 1/1/2020.

Dựa vào đánh giá của Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn, TEDC có đủ khả năng thanh toán khoản phải thu nói trên và khoản tiền nhận trước từ Tập đoàn hơn 55,5 tỷ đồng. Theo đó, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn tin tưởng có thể thu hồi được khoản phải thu từ TEDC là 1.343 tỷ đòng cùng với khoản đầu tư của Tập đoàn vào TEDC và vào TEC 2 với số tiền lần lượt 1.753 tỷ và 418 tỷ đồng trên cơ sở đánh giá giá trị thu hồi và dòng tiền có thể tạo ra từ dự án Nhiệt điện Kiên Lương.

Tại ngày 30/6/2019, TEDC và TEC 2 đang nắm giữ vốn chủ sở hữu của CTCP Năng lượng Tân Tạo (TEC) với tỷ lệ lần lượt là 72% và 14%. TEC đang là chủ đầu tư phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương.

Nhiệt điện Kiên Lương từng là một dự án lớn nằm trong sơ đồ phát triển nguồn điện của Chính phủ. Dự án này được khởi công vào năm 2009, có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. 

Tháng 12/2015, TEC đã kí Biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương về việc cam kết đầu tư và phát triển dự án nhiệt điện Kiên Lương theo hình thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao) trên đất mà TEDC đã thuê từ Tân Tạo.

Tuy nhiên theo Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/3/2016, dự án Nhiệt điện Kiên Lương không được bao gồm trong danh mục các Dự án điện Quốc gia.

Trong một văn bản phúc đáp lại ý kiến của Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC), một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, từ cuối năm 2011 dự án đã đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và không làm thủ tục xin gia hạn nộp theo quy định. Vì vậy tỉnh đề xuất thu hồi dự án tỉ đô này.

Đến cuối năm 2018, tỉnh Kiên Giang lại có văn bản gửi TEC, nêu rõ: “Dự án trong các năm qua rất chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xét thấy công ty không có khả năng thực hiện dự án, liên tục không thực hiện được các cam kết tiến độ, cùng với việc dự án bị đưa ra Quy hoạch 7, UBND tỉnh Kiên Giang giữ nguyên đề nghị thu hồi dự án”.

Có thể thấy, việc "bất động" sau hơn 10 năm qua của dự án này đã gây nhiều búc xúc trong xã hội. Thậm chí còn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về năng lực tài chính của Tân Tạo.

Doanh nghiệp của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến được cho là đã chưa có sự chuẩn bị tốt về nguồn vốn dù theo báo cáo Tân Tạo đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án và “đắp chiếu” từ đó cho tới nay.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng vào giữa năm ngoái cho thấy, UBND tỉnh Kiên Giang không liên lạc được với chủ đầu tư là Công ty cổ phần năng lượng Tân Tạo (TEC, công ty thành viên của ITA) để trao đổi, bàn hướng xử lý vướng mắc của dự án.

Bộ đề xuất hai phương án giải quyết. Một là thu hồi dự án trên cơ sở khẳng định lỗi của chủ đầu tư, ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và không đàm phán bồi thường. Hai là bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển điện quốc gia 2021 – 2030 có xét đến 2040 (quy hoạch điện VIII) để phát triển theo hình thức BOT, nếu sau khi rà soát các phương án sử dụng nhiên liệu và đánh giá vẫn cần trong cân bằng nhu cầu điện năng quốc gia giai đoạn này.

Con đường về đích 2019...còn xa

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco gắn liên với sự mất tích bí ẩn của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến trong nhiều năm qua. Bà Yến không xuất hiện trong 6 đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này.

Mặc dù không còn xuất hiện tại các kỳ đại hội đồng cổ đông những năm qua của ITA, tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đặng Thị Hoàng Yến vẫn để lại vết tích trong các báo cáo tài chính của ITA dưới dạng chữ ký.

Có thể bạn quan tâm

  • Tân Tạo và “giấc mơ” mới (Kỳ I): Nợ nghìn tỷ cùng cổ phiếu miệt mài dò đáy

    Tân Tạo và “giấc mơ” mới (Kỳ I): Nợ nghìn tỷ cùng cổ phiếu miệt mài dò đáy

    00:00, 12/05/2019

  • Tập đoàn Tân Tạo: Nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng

    Tập đoàn Tân Tạo: Nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng

    11:25, 12/05/2017

  • Tân Tạo khai mạc lễ hội xuân 2017 và trao quà Tết cho công nhân

    Tân Tạo khai mạc lễ hội xuân 2017 và trao quà Tết cho công nhân

    14:48, 23/01/2017

Theo đó, 6 tháng 2019, lợi nhuận trước thuế của ITA đạt mức 157 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế 129 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ 2018. Sở dĩ lợi nhuận kỳ này tăng vọt do doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp và bán đất nền dự án Ecity tăng. Ngoài ra công ty cũng đã hoàn nhập dự phòng khi thanh lý các khoản đầu tư trong kỳ này.

Trong khi đó, theo kế hoạch kinh doanh 2019 được cổ đông thông qua, doanh thu kỳ vọng đạt 1,885 tỷ đồng và lợi nhuận 455 tỷ đồng, gấp 3 lần và gấp 5 lần so với kết quả thực hiện được ở năm 2018.

Như vậy, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của ITA chưa đạt phân nửa kế hoạch đặt ra. Xem chừng chặng đường hoàn thành kế hoạch của doanh nghiệp này còn khá xa.

Kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường khiến giá cổ phiếu ITA cũng chỉ bằng ly trà đá khi đóng cửa phiên ngày 6/9 tại mức 3.250 đồng/cổ phiếu.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959 tại Hải Phòng, bố là cán bộ người Sài Gòn tập kết ra bắc, mẹ là người Hải Phòng. Bà là chị ruột của ông Đặng Thành Tâm, người được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007.

fff

Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Đặng Thị Hoàng Yến tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, bà công tác tại cơ quan Nhà nước 13 năm. Năm 1993, bà quyết định tạo dựng con đường đi cho riêng mình khi thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến, tiền thân của Tập đoàn Tân Tạo ngày nay.

Tập đoàn Tân Tạo đã phát triển trở thành doanh nghiệp phát triển hạ tầng và khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trong nước.

Hiện nay Tập đoàn Tân Tạo có 21 công ty con hoạt động trên nhiều lĩnh vực như phát triển hạ tầng, xây dựng, năng lượng và truyền thông.

Nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến từng có khoảng 1 năm là Đại biểu Quốc hội của tỉnh Long An. Cụ thể, tháng 5/2011, bà đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Quốc hội.

Nha Trang