'Lình xình' cổ phần hóa ở IPC

Khánh Hà 17/09/2019 01:14

Thanh tra TP Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cổ phần hóa tại Công ty IPC và các công ty có vốn góp của Công ty IPC.

Liên quan đến sai phạm và xử lý sai phạm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty IPC), sau việc khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo Công ty IPC và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (công ty liên kết của Công ty IPC), Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất bản Kết luận số 14/KL-TTTP-P6, chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cổ phần hóa tại Công ty IPC và các công ty có vốn góp của Công ty IPC.

Đi ngược chỉ đạo của Chính phủ

Công ty IPC thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình “công ty mẹ-công ty con." Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty IPC có chín công ty con, trong đó có Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển Khu Công nghiệp Sài Gòn (gọi tắt là Công ty IPD) về sau cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (gọi tắt là Công ty ESL).

Tháng 3/2014, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Công ty IPD cổ phần hóa và chuyển thành Công ty ESL với vốn vốn điều lệ 652 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 489 tỷ đồng (chiếm 75% vốn điều lệ). Hoạt động của Công ty ESL là logictics, kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa… Người đại diện pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Văn Đậm, giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Trụ sở IPC, nơi xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng...

Trụ sở IPC, nơi xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng...

Ngày 25/10/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản số 1754/TTg-ĐMDN), trong đó Công ty IPD thực hiện cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trong giai đoạn 2012-2015. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các quyết định (Quyết định số 568/QĐ-UBND và Quyết định số 569/QĐ-UBND) thực hiện cổ phần hóa, xác định tại Công ty IPD, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Thế nhưng, trên cơ sở đề xuất của Công ty IPC và Công ty IPD, ông Tất Thành Cang, lúc này đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (về sau bị kỷ luật, cách chức trong Đảng liên quan đến sai phạm bán rẻ 32ha đất Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho doanh nghiệp) lại kết luận và chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước nắm tại Công ty IPD là 65%.

Đến ngày 30/12/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại có Quyết định số 7116/QĐ-UBND về chấp thuận phương án cổ phần hóa tại IPD, nhà nước nắm giữ tới 75% vốn điều lệ.

Theo Thanh tra Thành phố, việc xây dựng lộ trình cổ phần hóa, xác định tỷ lệ vốn Nhà nước tạm thời và sau cổ phần hóa tại Công ty IPD được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt là trái với phương án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và của chính Ủy ban Nhân dân Thành phố. Trong quá trình cổ phần hóa, Công ty IPD không xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định đối với các khu đất được giao để thực hiện dự án trước khi xác định giá trị doanh nghiệp là không đúng với Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tạm thời tại IPD là 65%, sau đó tăng lên 75% là không đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1754/TTg-ĐMDN ngày 25/10/2012 và Quyết định số 568/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ là 652 tỷ đồng của IPD, việc Công ty IPC bổ sung thêm tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Công ty IPD là không có cơ sở, không phù hợp với Nghị định 59/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc về Tổng Giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó việc xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa không phù hợp, dẫn tới giảm giá trị tài sản giao cho Công ty IPD để cổ phần hóa. Việc Công ty IPD góp vốn bằng quyền sử dụng đất 1.850m2 cùng với công ty khác nhưng không xác định theo giá thị trường là chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Tương tự, việc xác định giá trị các dự án mà Công ty IPC đang thực hiện như dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân viên và chuyên gia Khu chế xuất Linh Trung, Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi là không nhất quán, bất hợp lý, không đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào dự án … làm giảm giá trị tài sản nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra Thành phố cũng chỉ rõ các khuyết điểm về thoái vốn của Công ty ESL tại Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Thái Dương, Công ty Cổ phần Tiếp vận Hồng Ngọc, Công ty Cổ phần Cơ khí và Đúc kim loại Sài Gòn, dẫn tới các khoản nợ khó có khả năng thu hồi.

Mặt khác, việc thực hiện dự án bất động sản khác cũng để xảy ra vi phạm như tại dự án tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, khu dân cư Hiệp Phước 1, khu dân cư Hiệp Phước 2, Khu dân cư Long Thới. Đặc điểm chung của các dự án này khi IPC và các công ty liên kết thực hiện là không tổ chức bán đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định giá vốn góp, giá trị chuyển nhượng chưa đầy đủ cơ sở, không phù hợp, áp dụng đơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng với giá thị trường, chuyển nhượng nền đất không đúng đối tượng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Đặc biệt là Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2), theo Thanh tra Thành phố, sau cổ phần hóa Công ty ESL không tiếp tục đầu tư vào dự án đã tìm đốc tác thực hiện nhưng thực chất là để chuyển nhượng dự án khi đủ thủ tục pháp lý.

Thực tế đảo chiều

Theo phương án cổ phần hóa được duyệt, ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác cảng KCN Cát Lái. Tuy nhiên, thực tế sau khi cổ phần hóa, ESL đã ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Cát Lái Đông Sài Gòn, trong đó ESL chỉ góp vốn 20% vốn điều lệ của pháp nhân mới này, để khai thác toàn bộ khu vực cảng KCN Cát Lái. Như vậy, ESL trước và sau cổ phần hóa thể hiện không có năng lực phát triển cảng độc lập. Với tỷ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả là đối tác khác nắm quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng.

Quang cảnh cảng Cát Lái. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Quang cảnh cảng Cát Lái. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

“Sau cổ phần hóa, ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng vào công ty cổ phần... cần được làm rõ”, kết luận của Thanh tra TP.HCM nêu.

Theo tài liệu thanh tra, dự án cảng KCN Cát Lái thực hiện chậm so với dự kiến (năm 2016 - 2018), mặc dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2002 nhưng mới hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ tháng 7.2018.

Liên quan đến tài sản cổ phần hóa IPD, theo Thanh tra TP.HCM, việc không đánh giá lại giá trị các dự án làm giảm giá trị tài sản của nhà nước do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đã được thực hiện cách nay hơn 15 năm với chi phí bồi thường thấp. Hiện nay, giá đất đã tăng lên gấp nhiều lần. Kết quả định giá đã không phản ánh đầy đủ giá trị tài sản theo giá thị trường khi cổ phần hóa.

“Cảng KCN Cát Lái là cảng biển lớn, có vị trí mang tầm chiến lược của TP, cần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và khai thác hiệu quả, do vậy cần thiết phải chấn chỉnh hoạt động”, Thanh tra TP.HCM kiến nghị.

Đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý 4 vụ việc

Với hàng loạt sai phạm mới tại Công ty IPC, Thanh tra TPHCM đã đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý 4 vụ việc.

Cụ thể, tại dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), Công ty IPC được giao đất để thực hiện tái định cư cho Khu công nghiệp Hiệp Phước nhưng từ năm 2000 đến 2007, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng 341 nền đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư.

Kết luận thanh tra nêu rõ việc này không đúng quy định Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai 2003 về việc nghiêm cấm các hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Tổng Giám đốc Công ty IPC cũng tự quyết định giá từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/m2 đất, trong đó chủ yếu là bán giá 350.000 đồng/m2 khoảng gần 3,5ha trong tổng số hơn 6,1ha.

Theo kết luận thanh tra, Công ty IPC sử dụng vốn không đảm bảo hiệu quả, có khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC ít nhất hơn 43 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguyên Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang đã chỉ đạo gì cho IPC “bán rẻ” Sadeco?

    Nguyên Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang đã chỉ đạo gì cho IPC “bán rẻ” Sadeco?

    00:33, 17/05/2019

  • TP HCM chỉ đạo xứ lý dứt điểm sai phạm tại IPC

    TP HCM chỉ đạo xứ lý dứt điểm sai phạm tại IPC

    10:00, 04/04/2019

  • Công ty IPC bị rút quyền chủ đầu tư hai dự án giao thông

    Công ty IPC bị rút quyền chủ đầu tư hai dự án giao thông

    01:46, 19/03/2019

  • Fishipco Hải Phòng: Hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép nghề lưới chụp 1.100HP

    Fishipco Hải Phòng: Hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép nghề lưới chụp 1.100HP

    12:36, 16/06/2018

Ngoài ra, Công ty IPC chuyển nhượng 2 Block chung cư dự án Khu dân cư Long Thới mà không xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, giá chuyển nhượng do đơn vị tự tính là hơn 17 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, Công ty IPC không thẩm định giá chuyển nhượng là vi phạm quy định Pháp lệnh giá số 20 năm 2002.

Tại dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2 (huyện Nhà Bè), Thanh tra TP kết luận Công ty IPC chuyển nhượng dự án cho Công ty HIPC (Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước – Công ty liên kết, IPC nắm 40,54% vốn điều lệ) thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường.

Việc Công ty IPC không tiến hành thẩm định giá, đấu giá để xác định giá thị trường là không đảm bảo quyền lợi chủ đầu tư, cần được kiểm tra làm rõ những sai phạm trong việc chuyển nhượng sai quy định để có cơ sở kết luận những thiệt hại.

Cụ thể, năm 2009, Công ty IPC chuyển giao dự án cho HIPC với giá hơn 468 tỷ đồng, bao gồm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và lãi vay là hơn 322 tỷ đồng, lợi thế thương mại là hơn 145 tỷ đồng – giá trị này được xác định trên cơ sở bảo tồn vốn đầu tư của IPC tại HIPC là 60,8% khi Công ty HIPC tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, việc xác định giá trị lợi thế thương mại khi chuyển nhượng dự án hơn 145 tỷ đồng là không có cơ sở.

Theo báo cáo của HIPC vào tháng 3/2019, công ty đã cho 79 doanh nghiệp thuê với diện tích trên 121ha (còn lại diện tích hơn 213ha chưa cho thuê), tổng số tiền thu được là hơn 1,9 nghìn tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm của Công ty IPC tại dự án Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Dự án do Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco – công ty liên kết, IPC nắm 28,8% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư. Công ty IPC góp vốn đầu tư theo 3 hợp đồng góp vốn với số tiền 492 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty IPC chuyển nhượng nền đất được nhận từ việc góp vốn với Sadedo. Công ty chuyển nhượng số lượng lớn nền đất cho một số cá nhân mà không tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng nền đất không hiệu quả, vì năm 2008, Công ty IPC góp vốn với Sadeco với giá 6,6 triệu đồng/m2, đến năm 2016 chuyển nhượng với giá 7 triệu đồng/m2.

Cũng theo kết luận thanh tra, chứng thư thẩm định giá không phù hợp với giá thị trường, thấp hơn giá Công ty Sadeco công bố và bán cho khách hàng, thấp hơn giá chuyển nhượng theo kết quả thu thập các hợp đồng chuyển nhượng tại dự án (do Chi Cục thuế huyện Bình Chánh cung cấp).

Người đại diện vốn của Công ty IPC tại Công ty Sadeco (ông Tề Trí Dũng – Tổng Giám đốc IPC) nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Sadeco, trong đó có việc quyết định đơn giá chuyển nhượng nền đất tại dự án. Do đó, Công ty IPC không thể không biết việc công ty áp dụng đơn giá chuyển nhượng thấp hơn giá công bố và giá chuyển nhượng của Công ty Sadeco.

Ngoài ra, đối với các hợp đồng chuyển nhượng năm 2016, Công ty IPC đăng báo mời hợp tác đầu tư trước khi thẩm định giá là không phù hợp.

Theo kết luận thanh tra, bản chất sự việc là chuyển nhượng nền đất, không phải là hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh. Việc Công ty IPC không tổ chức bán đấu giá, việc lựa chọn nhà đầu tư, áp dụng đơn giá chuyển nhượng không đúng với giá thị trường và bổ sung thu tiền khách hàng khi hợp đồng chấm dứt thể hiện giá chuyển nhượng không phù hợp thực tế.

“Do đó, việc xây dựng đơn giá nền đất chuyển nhượng nền đất của Công ty IPC có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Theo Thanh tra TP, những vụ việc trên có dấu hiệu sai phạm gây bất lợi và thiệt hại cho vốn Nhà nước do Công ty IPC làm đại diện chủ sở hữu, có dấu hiệu vi phạm Điều 179 Bộ Luật Hình sự 2015 năm 2015 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Do đó, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao Thanh tra TP phối hợp Công an TP chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Khánh Hà