Trắc trở như Sudico Sông Đà
Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) được kỳ vọng sẽ tạo 'cú huých' giúp doanh nghiệp bước ra khỏi giai đoạn khó khăn.
Lợi nhuận chưa tương xứng với tiềm năng
Sudico tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Sông Ðà, được thành lập năm 2001, cổ phần hóa vào năm 2003. Công ty sở hữu quỹ đất lớn tại nhiều tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ðà Nẵng.
Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là Nam An Khánh, được cấp phép đầu tư từ năm 2004 trên diện tích 312 ha, thuộc địa bàn hai xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Ðức, TP. Hà Nội).
Dự án này được đánh giá cao về tiềm năng lợi nhuận nhờ vị trí đắc địa, nằm ngay sát Ðại lộ Thăng Long nối liền với trung tâm Hà Nội
Sau giai đoạn 2011 - 2012 kinh doanh thua lỗ do ảnh hưởng bởi bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, với lợi thế quỹ đất dồi dào, giá vốn rẻ tại nhiều vị trí, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khi thị trường “ấm” trở lại Sudico sẽ bứt phá.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Sudico lại đi xuống. Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Công ty là 290,2 tỷ đồng, thì đến năm 2016 là 228 tỷ đồng, năm 2017 là 178,6 tỷ đồng và đến năm 2018 là 134,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm, trong khi quy mô tài sản tăng trưởng, nên hiệu suất sinh lời trên tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp đi xuống.
Nếu như năm 2015, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Sudico đạt lần lượt là 3,9% và 11,4% thì đến năm 2018, các chỉ số này lần lượt chỉ còn 1,8% và 5%.
Tại Ðại hội cổ đông thường niên 2019, Sudico đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với 700 tỷ đồng doanh thu và 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết thúc nửa đầu năm, báo cáo tài chính của Công ty cho biết, doanh thu bán hàng đạt 196 tỷ đồng, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm 2018, nhưng do không còn ghi nhận khoản lãi đột biến từ chuyển nhượng khoản đầu tư như cùng kỳ năm ngoái nên lợi nhuận trước thuế thu về chỉ đạt 23 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Lại thất hứa với cổ đông
Mới đây, Công ty cũng vừa thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 và 2017 bằng tiền mặt đều với tỷ lệ 10% sang tận cuối năm 2020.
Theo đó, cổ tức năm 2016 của SJS sẽ được dời từ ngày 30/9/2019 sang 31/12/2020. Còn cổ tức năm 2017 được gom lại thành 1 đợt vào 31/12/2020 thay vì 30/9/2019 và 31/12/2019 như trước đó. Như vậy đây là lần hoãn cổ tức năm 2016 lần thứ 5 của SJS.
SJS cũng cho biết, trong trường hợp Công ty thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty sẽ xem xét thực hiện thanh toán cổ tức sớm hơn thời gian này.
Trước đó hồi tháng 4/2019, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có văn bản nhắc nhở SJS nghiêm túc thực hiện các quy định về quản trị Công ty. Bởi theo quy định của Luật doanh nghiệp, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên. Như vậy, SJS đã chậm trễ việc chia trả cổ tức năm 2016 và 2017 so với quy định.
Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, Sở nhắc nhở SJS nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông theo đúng quy định hiện hành.
Sau khi Sở nhắc nhở, SJS cho biết nguồn vốn chi trả cổ tức 2016 và 2017 chủ yếu từ nguồn thu tại dự án Nam An Khánh và các dự án khác với tổng công nợ lên tới 285.5 tỷ đồng. Trong thời gian vừa qua, do các đối tác chậm trễ thanh toán nên Công ty bị thiếu hụt nguồn vốn chi trả cổ tức.
“Sudico đã làm việc cụ thể với từng đối tác, khách hàng và đưa ra các biện pháp thu vốn tại các dự án. Trong năm 2019, SJS sẽ có đủ nguồn vốn để chi trả cổ tức 2016 và 2017 theo đúng tiến độ”, Tổng giám đốc Sudico Trần Anh Đức khẳng định trong công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Vậy nhưng, sự thất hứa của SJS lại một lần nữa làm nản lòng cổ đông.
Được biết, tại thời điểm 30/6/2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SJS chỉ ở mức 53 tỷ đồng.
Trong khi với tổng tỷ lệ cổ tức của hai năm là 20% và với gần 114 triệu cổ phiếu đang lưu hành thì dự kiến SJS phải chi ra tới 227 tỷ đồng để trả cổ tức còn nợ này cho cổ đông.
Kỳ vọng vào “cú huých” thoái vốn nhà nước
Trong cơ cấu cổ đông của Sudico hiện nay, Tổng công ty Sông Ðà đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 36,65% vốn điều lệ. Cổ đông lớn thứ hai ông Ðỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sudico, với tỷ lệ nắm giữ 17,3% vốn.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh ra “tối hậu thư” cho dự án của Sudico
19:28, 24/10/2015
Làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo: Lo ngại sẽ trở thành phong trào nhất thời?
01:04, 13/03/2019
Du lịch Quảng Ninh "tăng tốc" giới địa ốc đón sóng đầu tư
15:21, 06/11/2018
Theo phương án tái cấu trúc Tổng công ty Sông Ðà, tới đây, doanh nghiệp này sẽ thực hiện thoái vốn tại Sudico.
Sau câu chuyện thoái vốn thành công của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vào cuối năm 2018 với mức giá trúng vượt mong đợi, thị trường kỳ vọng một kịch bản tương tự diễn ra tại Sudico.
Bởi Vinaconex và Sudico có nhiều điểm tương đồng, như cùng có quỹ đất lớn và hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.
Dẫu vậy, đến nay, kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Sông Ðà tại Sudico vẫn chưa có thông tin chi tiết.
Nhà đầu tư có thể còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới rõ triển vọng từ doanh nghiệp bất động sản từng lừng lẫy một thời trên thị trường chứng khoán.