“Tù mù” Landmark
Công ty Cổ phần Landmark Holding (HOSE: LMH) đã và đang kinh doanh đa ngành, nhưng không có hoạt động kinh doanh nào nổi trội. Điều này sẽ khiến Landmark khó hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Ngày 7/10 tới, Landmark sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc loại bỏ và điều chỉnh một số ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 0% lên 100% vốn điều lệ.
Chiến lược đầy tham vọng
Ngành nghề chính của Landmark là kinh doanh xăng dầu, bất động sản (BĐS) và mua bán dung môi hóa chất. Doanh thu thuần năm 2016 chỉ đạt 269 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm đã tăng hơn 11 lần lên hơn 3.009 tỷ đồng năm 2018. Thế nhưng, lợi nhuận năm 2018 chỉ đạt hơn 19 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 1,7%.
Chiến lược kinh doanh của Landmark cũng phần nào nói lên tham vọng to lớn của doanh nghiệp này. Ban lãnh đạo Landmark cho biết, đến năm 2021, doanh thu dự kiến của Landmark sẽ đạt mức khoảng 8.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2,67 lần năm 2018. Nếu chiến lược trên được thực hiện thành công, thì tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của Landmark giai đoạn 2016-2021 sẽ đạt mức 97%.
Nhìn vào cấu trúc nợ của Landmark trong năm 2018 dễ nhận thấy các khoản phải trả người bán (tỷ trọng 29,6%) và người mua trả tiền trước (tỷ trọng 25,7%) chiếm phần khá lớn tổng nợ của doanh nghiệp này. Trong khi đó, các khoản vay nợ chiếm 43% tổng nợ, cao hơn 2,3 lần vốn chủ sở hữu.
Cuối năm 2018, tài sản ngắn hạn của Landmark đạt 828 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với đầu năm, trong đó khoản trả trước người bán ngắn hạn là 444 tỷ đồng.
Rủi ro kinh doanh đa ngành
Landmark kinh doanh đa ngành, nhưng không có hoạt động nào nổi trội. Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Landmark đã và đang chịu rủi ro rất lớn từ sự biến động phức tạp của giá dầu trên thế giới.
Theo chuyên gia kiểm toán Nguyễn Mạnh Hải- Công ty kiểm toán AVA Việt Nam, cơ cấu doanh thu của Landmark cho thấy, doanh nghiệp này mới chỉ tập trung khai thác và cung cấp sản phẩm cho CTCP Vertical Synergy Viet Nam và Công ty TNHH Xăng dầu Đại Dương Xanh. Việc chỉ tập trung vào 2 khách hàng lớn cũng tiềm ẩn rủi lớn cho Landmark trong trường hợp 2 doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Ngoài xăng dầu và hoá chất, Landmark tham gia vào lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, Landmark là doanh nghiệp không có tiếng tăm, nhưng lại chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp rất lớn từ các ông lớn trong ngành BĐS. Trong khi đó, thị trường BĐS cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thị trường dần bão hòa, hàng tồn kho lớn, tín dụng BĐS bị siết chặt… Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến phân khúc BĐS của Landmark.
Theo kế hoạch năm 2019, Landmark sẽ chuyển nhượng 5 căn biệt thự của dự án Imperia Gaden và triển khai phân phối 100% sản phẩm của dự án Manhattan Tower.
Thách thức huy động vốn
Ngoài việc xin ý kiến cổ đông nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 0% lên 100% vốn điều lệ, Landmark cũng chốt danh sách cổ đông phát hành 2,33 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại Báo cáo tài chính năm 2018. Sau phát hành, Landmark dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 233 tỷ đồng hiện nay lên 256,3 tỷ đồng và cũng hoàn thành được mục tiêu mà trước đó HĐQT Landmark đã thông qua trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Có thể bạn quan tâm
Landmark Holding rút khỏi dự án Manhattan Tower
05:00, 27/08/2019
Trải nghiệm đỉnh cao “3 trong 1” tại Vinpearl Luxury Landmark 81
12:16, 24/04/2019
HPC Landmark 105 sẵn sàng chào đón cư dân
07:55, 05/12/2018
Landmark Holding chào sàn có gì hấp dẫn?
04:30, 11/10/2018
Ngoài ra, HĐQT của Landmark cũng đã thông qua việc giảm vốn điều lệ tại công ty con là Landmark Energy (LME) từ 100 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng, nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của LME.
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VBCS, đặc điểm chung của các doanh nghiệp đa ngành như Landmark luôn có nhu cầu vốn lớn, thời gian thi công xây dựng của các dự án kéo dài. Vì thế, Landmark nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nói chung luôn phải duy trì hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao và thời gian chiếm dụng vốn dài. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính và gây rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Với tình trạng nợ cao, kinh doanh đa ngành, dù Landmark có nới room ngoại cũng rất khó để huy động vốn ngoại, bởi nhiều doanh nghiệp cũng đã từng thực hiện chiêu bài này, nhưng không thành công trong thời gian qua.
Rủi ro đầu tư đa ngành Thực tiễn cho thấy, việc hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực cũng có tính hai mặt của nó. Một mặt, nếu doanh nghiệp đi đúng hướng và đầu tư thành công sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu của mình, đồng thời phân tán rủi ro, hỗ trợ cho những mảng kinh doanh yếu kém. Mặt khác, nếu “chệch hướng” hoặc đầu tư không hiệu quả có thể làm suy sụp hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất thương hiệu và gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho doanh nghiệp. Trên thực tế, những ngành nghề mà Landmark kinh doanh đều không phải là thế mạnh và không phải là ngành kinh doanh cốt lõi nên dễ đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí dẫn tới tình trạng phá sản nếu doanh nghiệp không có chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững trong điều kiện đầu tư đa ngành, Landmark nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nói chung cần chú trọng đến năng lực cốt lõi. Khi có năng lực cốt lõi, thì doanh nghiệp mới theo kịp được xu hướng phát triển của xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh. Còn việc nâng vốn, nới room ngoại, Landmark cần thận trọng, bởi nếu nới room không thành công, dễ dẫn tới tình trạng “gậy ông lại đập lưng ông”. |