Khát vọng phát triển bền vững

BBT 13/10/2019 10:17

Hiện cả nước có hơn 740.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế.

LTS: Nếu như sự kiện ngày 13/10/1945 Bác Hồ gửi thư tới “giới Công Thương” có thể coi là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới, thì trải qua 74 năm phát triển, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng.

Hiện cả nước có hơn 740.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp trong mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): Nắm bắt cơ hội trong cuộc chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát và có sự tác động đến mọi lĩnh vực. Với IPPG, là doanh nghiệp hoạt động chính trong ngành phân phối bán lẻ, CMCN 4.0 đang và sẽ tạo ngày càng nhiều cơ hội phát triển, thay đổi hoàn toàn cách thức IPPG tương tác với khách hàng, từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng, cách thức quản trị doanh nghiệp và các hoạt động thường nhật của IPPG.

Chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư vào công nghệ từ nhiều năm trước, đây là một cơ hội để chúng tôi có thể quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giá cả và nâng cao chất lượng dịch vụ đến với khách hàng, tiến đến sẽ thực hiện hình thức giao dịch trực tuyến thông qua kênh website và các chương trình công nghệ riêng (Application) của IPPG.

Công nghệ giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn trong khâu phân tích số liệu tài chính và các chỉ số khác “Online” và ngay tức thời giúp chúng tôi đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp và kịp thời để phát triển bền vững. Tuy nhiên, CMNCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức về vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, khả năng làm chủ và quản trị tích hợp AI “big Data”.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên: Doanh nghiệp dệt may đang khó trăm bề

Bên cạnh niềm vui trong ngày Doanh nhân Việt Nam thì vẫn còn đó những nỗi lo trong chuyện sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, trong lĩnh vực dệt may, mười năm trở lại đây ngành Dệt May Việt Nam liên tục tăng trưởng với tỷ lệ bình quân là trên 15%/ năm; Thu hút, tạo việc làm cho thêm hàng triệu lao động.

Nhưng năm 2019, các doanh nghiệp ngành sợi, may Việt Nam lại đối mặt với những khó khăn, thách thức quá lớn; khó có thể tự mình vượt qua được để duy trì mức độ tăng trưởng như những năm trước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thực tế các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu đơn hàng, giá gia công giảm sâu (chưa từng có). Ngành sợi vừa bị giảm giá lại không bán được hàng. Ngành dệt không thể phát triển vì thiếu vốn, thiếu kỹ thuật công nghệ, thiếu điều kiện hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về thị trường, hàng dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các nước xuất khẩu nên thiếu đơn hàng. Các doanh nghiệp sản xuất Sợi Việt Nam đang trong tình trạng điêu đứng vì giá sợi và lượng sợi xuất đi đều giảm.

Đại tá Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng: Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội

Nhiều năm qua, nhu cầu về nhà ở của cán bộ, người hưởng lương trong Quân đội rất lớn, việc thực hiện chính sách nhà ở gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, xây dựng... của Nhà nước và các địa phương còn nhiều bất cập.

Tuy nhiên, Tổng công ty đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời tham mưu với Thủ trưởng, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, cũng như chủ động phối hợp với các đơn vị Quân đội, tranh thủ sự ủng hộ của các địa phương, tìm kiếm quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị. Các sản phẩm của Tổng công ty làm ra giá thành chỉ bằng 2/3 so với giá trung bình trên thị trường, góp phần giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của cán bộ sỹ quan, người hưởng lương trong toàn quân.

3 năm gần đây, Tổng công ty đã hoàn thành 13 dự án, đưa vào sử dụng 2.988 căn hộ các loại với khoảng 334.000 m2 sàn căn hộ với giá cả hợp lý, bình quân chỉ bằng 60%-65% giá của thị trường. Điều này có ý nghĩa rất lớn về chính sách cán bộ, chính sách hậu phương quân đội, đem lại hiệu quả cao về mặt xã hội, uy tín và thương hiệu của Tổng công ty.

Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến ( Đà Lạt, Lâm Đồng): Khó tiếp cận quỹ phát triển công nghệ

Doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế cần hỗ trợ của chính sách nhà nước ở tầm vĩ mô. Việt Nam có thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu rất tốt cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhưng trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển cần có sự hỗ trợ của tầm vĩ mô từ chính sách của nhà nước.

Ví dụ như vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp CNC hàng trăm nghìn tỷ, những các thông tư, nghị định hướng dẫn không cụ thể hóa nên khi doanh nghiệp tiếp cận đều nhận được câu trả lời là phải đợi hướng dẫn. Doanh nghiệp đợi mãi cũng không có, nếu không tiếp cận được các nguồn vốn thì doanh nghiệp CNC rất khó. Hiện nay, chưa một doanh nghiệp nào của tỉnh Lâm Đồng tiếp cận được nguồn vốn này.

Qua một quá trình cải cách, đến nay nhìn chung các thủ tục của các cơ quan ban ngành đều có những chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận và hợp lòng dân. Tuy thế, vẫn còn những thủ tục quản lý chồng chéo, cùng một nội dung mà do nhiều ngành quản lý, gây phiền phức và mất thời gian cho doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Đức - Giám đốc Công ty CP Việt DAC: Ban pháp chế ngành chưa rõ ràng

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin và quyết tâm trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, các doanh nghiệp có thể hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, vẫn còn rất nhiều bất cập và trong thời gian tới, để mọi việc đi đúng hướng, đúng chủ trương đã đề ra, các cấp có liên quan cũng nên xem xét nhiều vấn đề. Đầu tiên là câu chuyện dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm. Qua quá trình hoạt động, chúng tôi không biết các cơ quan quản lý ngành có ban pháp chế hay không, tất cả đều dựa trên chuyên môn của các lãnh đạo ngành, nên chưa thể mạnh dạn giải quyết các vấn đề mang tính nhạy cảm, Giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp thường bị kéo dài.

Một số nơi nhận hồ sơ của doanh nghiệp nhưng lại không có biên nhận, chẳng có thời gian trả kết quả hồ sơ, thậm chí giữ lâu quá lạc mất hồ sơ. Đó là ví dụ đơn giản cho thấy tình trạng “trên nóng mà dưới lạnh”, chậm cải cách thủ tục hành chính, hô hào nhưng không thực hiện...

Ông Vũ Hoàng Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty CP ARITA: Luật chồng chéo khiến doanh nghiệp bất động sản “bất an”

Việc tạm dừng triển khai thủ tục chuyển đổi, thẩm định điều kiện mở bán, đưa dự án lên sàn bất động sản (BĐS)… trong thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp chưa thể tìm được lối thoát cho mình khi buộc sản phẩm làm ra rơi vào trạng thái “đóng băng” vì luật chồng chéo. Đặc biệt, nhiều chính sách thiếu thực tế, mâu thuẫn không khả thi cũng là nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS của doanh nghiệp rối như tơ vò.

Mặt khác, với “ma trận” thủ tục rườm rà, đánh đố doanh nghiệp nên nảy sinh tiêu cực vì cơ chế xin-cho. Nhiều dự án xây dựng nhà ở đã hình thành nhưng không thể bán ra thị trường được vì vướng thủ tục định giá đất, điều kiện mua – bán nhà ở…

Nhìn vào bức tranh tổng thể về thị trường BĐS trong những tháng gần đây, khó khăn của doanh nghiệp thể hiện rất rõ. Nguồn cung giảm mạnh, sức tiêu thụ tụt dốc mạnh do thị trường BĐS biến động. Chính vì vậy, để thị trường BĐS trong thời gian tới được cởi trói, cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc rà soát tổng thể các thủ tục, chính sách một cách rõ ràng và thống nhất.

Ông VINCENT DELSOL - Tổng Quản Lý PULLMAN VŨNG TÀU: Phát triển du lịch từ lợi thế văn hóa

Việc phát triển du lịch quá nhanh, quá nóng, thiếu bền vững ở một số địa phương đã thể hiện qua tình trạng cơ sở hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp và thiếu sự kiểm soát của cơ quan có chuyên môn. Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế không đáp ứng với tốc độ phát triển, hoạt động du lịch đơn điệu, nhàm chán, thiếu sáng tạo...

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Du lịch tại một số nơi bị rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời để đáp ứng một cách vội vã.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, du lịch được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế, của việc phát huy lợi thế văn hóa - lịch sử - tự nhiên để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Vì thế, phát triển du lịch phải có sự đồng bộ kết hợp của các địa phương, ban, ngành, sự tham gia cùng với các nhà đầu tư, không thể mặc cho nhà đầu từ mạnh ai nấy làm. Ví dụ môi trường ở bờ biển, đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch vùng điểm đến và xúc tiến quảng bá hình ảnh đến với thế giới...

Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hải: Doanh nhân dân tộc vươn tầm thế giới

Doanh nhân dân tộc là một định nghĩa rất hay khi nói về những người không chỉ biết làm giàu, đã làm giàu được cho mình nhưng mà còn luôn tràn đầy tinh thần dân tộc, khát khao đóng góp để mang lại sự phát triển chung của đất nước và vinh danh dân tộc Việt Nam. Doanh nhân không chỉ giàu có, thành đạt mà còn mang lại được niềm vui, niềm tự hào, làm tăng lên vị thế cho người Việt Nam chúng ta, đó chính là doanh nhân dân tộc.

Trong những năm gần đây, rất tự hào, Việt Nam đã có những doanh nhân vươn tầm thế giới, tuy chưa có nhiều nhưng trong tương lai nhất định sẽ phát triển hơn nữa nếu các doanh nghiệp được tạo điều kiện về tốt về cơ chế, chính sách của nhà nước.

Tất nhiên, hành trình vươn “biển lớn” của những doanh nghiệp đi trước có thể còn vướng chỗ này, chỗ kia nhưng nếu có tinh thần dân tộc thì các doanh nhân chắc chắn sẽ có thể giữ vững quyết tâm khai lối để chiến thắng trên mặt trận kinh tế, tạo ra giá trị cho xã hội và nâng tầm đất nước. Để có được điều đó, bên cạnh việc có cơ chế chính sách thuận lợi thì bản thân doanh nghiệp Việt cũng luôn luôn phải nỗ lực, tiên phong.

Bà Trịnh Kim Thuận, Giám đốc Công ty Lucky Star Huỳnh Đức: Sản phẩm mỹ nghệ chưa có vị thế tốt trên thị trường quốc tế

Hàng năm kim ngạch xuất khẩu hàng mây, tre sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều tăng trưởng, cho thấy thị trường và nhu cầu đối với mặt hàng mỹ nghệ Việt luôn có. Thế nhưng đến nay các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu. Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ vẫn sản xuất theo cảm tính, chưa nghiên cứu thấu đáo thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng giá cả thị trường.

Để sản phẩm thủ công mỹ nghệ cạnh tranh được trên thị trường và kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao tại các thị trường tiềm năng, thì các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ các quy định về nhập khẩu. Chẳng hạn như Nhật Bản hay Hoa Kỳ là thị trường có mức nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cao, do vậy tính cạnh tranh cũng rất mạnh. Nhà xuất khẩu muốn thâm nhập vào các thị trường này cần cân nhắc các yếu tố về sản xuất nhanh hàng mẫu, trả lời thư yêu cầu ngay trong ngày, giao hàng đúng với đặc điểm kỹ thuật đã thoả thuận hay đúng hàng mẫu đã nhất trí từ trước; bao bì thích hợp cho vận tải đường biển…

Đại tá Ngô Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31: Thúc đẩy tinh thần ứng dụng sáng kiến, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh những năm qua, Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Công ty đã đầu tư các trang thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đưa vào sản xuất "dây chuyền thuốc nổ nhũ tương chất lượng cao" với công nghệ hiện đại của thế giới.

Đặc biệt, các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có những bước tiến lớn cả về chất lượng, giá trị làm lợi, số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hằng năm ngày càng tăng. Trong 3 năm gần đây, Công ty đã có 1.494 sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa được áp dụng vào sản xuất, làm lợi 9,5 tỷ đồng.

Nhờ vậy, trong sản xuất hàng kinh tế, Công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 15%, trong đó đã có nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, như: sản phẩm cơ khí ngành PCCC cho thị trường Hàn Quốc và Đông Nam Á; sản phẩm cơ khí chính xác cho các công ty của Nhật Bản; các sản phẩm cơ khí cho thị trường Nhật Bản, Mỹ...

Ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền: Cần tạo điều kiện cho gạch không nung

Hiện nay trên địa bàn thị xã Đông Triều có 12 doanh nghiệp đang sản xuất gạch, ngói nguyên liệu chủ yếu là đất sét, đất sét gầy, xỉ nhiệt điện, xỉ thải. Trong đó xỉ thải, xít thải chiếm 50%. Công nghệ mới dùng nguyên liệu xỉ thải, xít thải là chính và các nhà máy đang gặp khó khăn về nguồn mua xỉ, xít thải. Cụ thể là, các doanh nghiệp tỉnh ngoài như Hải Phòng, Hải Dương lại được mua xít thải của Tập đoàn TKV và Đông Bắc, trong khi đó doanh nghiệp tại Quảng Ninh không được mua.

Việc phi lý này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói có nguy cơ đóng cửa vì không đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Đề nghị tỉnh, UBND thị xã Đông Triều có ý kiến với tập đoàn công nghiệp Than TKV và Tổng công ty Đông Bắc bán nguồn xít thải cho các doanh nghiệp sản xuất gạch trên điạ bàn để duy trì ổn định sản xuất.

Tập đoàn PVN và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam hiện chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tro, xỉ thừa. Bộ Tài chính chưa ban hàng chính sách cụ thể về việc bán hay cho, vì vậy, giao dịch hiện nay giữa than, nhiệt điện và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đặc biệt là gạch không nung chủ yếu là “tự đưa ra giá”.

Bà Nguyễn Mai – Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Baobab – sáng lập nhãn hiệu nhà hàng Thành Cổ: Doanh nhân nâng tầm “tài sản quốc gia”

Ở Việt Nam hiện nay người ta vẫn quan niệm những người kinh doanh mô hình kinh doanh ẩm thực là những “ông, bà chủ” nhà hàng chứ không phải những doanh nhân. Tôi cho rằng đây là một quan niệm không đúng.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có khen ẩm thực Lạng Sơn, và bày tỏ mong muốn “mỗi khách du lịch đến Lạng Sơn “phải mua 1 con vịt quay mang về”. Đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận ra giá trị của ẩm thực và coi ẩm thực Việt Nam chính là tài sản của Việt Nam, là một mũi nhọn để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, chính những người kinh doanh ẩm thực thì lại chưa được nhìn nhận, tôn vinh đúng nghĩa. Bản thân một doanh nghiệp đứng ra khởi nghiệp với một mô hình kinh doanh tức họ đã là một doanh nhân, ngày đêm họ phải suy nghĩ cách quản trị, cách bán hàng, xây dựng thương hiệu, chiến lược… mới có thể lan toả, bán những sản phẩm đó đúng cách. Tại sao xã hội không ghi nhận họ? Nếu người nghệ nhân trong lĩnh vực ẩm thực tạo ra sản phẩm là phần ngọn thì những doanh nhân kinh doanh sản phẩm đó là phần lõi, nhưng chúng ta đang “coi nhẹ” vai trò của “phần lõi” đó.

Bà Võ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc công ty cp giao nhận vận tải Mỹ Á: Nhân lực logistics cần chuyên môn cao

Việt Nam là một thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng khai thác, đặc biệt là ở những lĩnh vực mới như logistics cho ngành thương mại điện tử (E-Commerce). Nhiều doanh nghiệp ngành cũng đã chủ động thay đổi tư duy, hoàn thiện các bộ giấy phép logistics quốc tế, áp dụng công nghệ theo hướng hội nhập.

Quan trọng hơn, nguồn nhân lực ngành logistics cũng bắt đầu được mở rộng vì nhu cầu mới của thị trường. Các lĩnh vực mới, nhất là công nghệ như e-logistics hay logistics cho e-commerce đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn cao hơn.

Thông thường, các đối tác lớn sẽ cung cấp các giải pháp đào tạo này, việc cần làm của doanh nghiệp là triển khai cho các phòng ban chuyên môn thực hiện sao cho phù hợp với quy mô và tốc độ phát triển của mình dựa trên lực lượng nhân sự sẵn có. Các doanh nghiệp nên bố trí đội ngũ nhân sự trẻ để đảm nhận các dự án này vì nhân sự trẻ có xu hướng tiếp thu nhanh cùng khả năng về tiếng Anh tốt sẽ làm cho quá trình này diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Đối với các nhà xuất khẩu, dịch vụ logistics trọn gói đang là một xu hướng để tạo sự yên tâm và tiết kiệm thời gian cho họ.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung An: Để xuất khẩu gạo Việt thu về thêm 2 tỷ USD mỗi năm

Xuất khẩu gạo của chúng ta mỗi năm đạt 5-7 triệu tấn nhưng hầu hết gạo được chế biến từ lúa ngoài mô hình “cánh đồng lớn liên kết”. Mà lúa ngoài mô hình thì chất lượng, giá trị gạo rất thấp. Với cách sản xuất như hiện nay, mỗi năm chúng ta mất tối thiểu 2 tỷ USD giá trị sản phẩm gạo. Doanh nghiệp cần có vốn để thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết, đây là giải pháp duy nhất cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ ra Chỉ thị về cơ chế thực thi công vụ cho Bộ, ngành, địa phương thực thi nhiệm vụ của mình trong chuỗi liên kết để các thể chế ban hành đi vào cuộc sống nhanh chóng, trong đó, ngân hàng bố trí nguồn vốn, phương án vốn thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết, hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn và một cơ chế của địa phương giải quyết vấn đề đất đai theo cánh đồng mẫu lớn.

Nếu thực hiện được, mỗi năm xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ thu về 5 tỷ USD, đặc biệt khách hàng thế giới phải chủ động đến đặt hàng của Việt Nam chứ không phải các doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá và tranh nhau bán hàng như hiện nay.

BBT