Thiếu minh bạch ở Petrolimex
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đã phát hành lại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu 2019 sau khi có ý kiến ngoại trừ của Công ty Kiểm toán KPMG.
Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu minh bạch trong quản trị tài chính của Petrolimex.
Do Petrolimex bị KPMG đưa ra ý kiến ngoại trừ tại BCTC bán niên 2019, nên cổ phiếu PLX của doanh nghiệp này đã bị Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đưa vào danh sách những mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 4/2019.
Lập lờ báo cáo hàng tồn kho
Báo cáo kiểm toán soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Petrolimex do Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam phát hành mới đây, đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc một công ty con của Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 135 tỷ đồng dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho đến cuối năm 2019. Đại diện KPMG cho rằng, việc ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho này của Petrolimex chưa phù hợp với các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Petrolimex lý giải rằng, công ty trích lập dựa trên ước tính về sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho đến cuối năm 2019 theo nguyên tắc thận trọng. Theo thống kê của Petrolimex, nhu cầu về sản lượng của các hãng hàng không tăng cao vào những tháng cuối quý 2 và quý 3 nên CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex đã nhập lượng hàng dự trữ để đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu này. Tuy nhiên, do nhiều khách hàng lớn giảm sản lượng mua trong 6 tháng đầu năm, dẫn tới tồn kho tăng cao. Sau đó, giá xăng dầu tăng nhưng giảm lại, dẫn tới kết quả công ty con của Petrolimex bị tồn kho.
Đại diện các Hiệp hội nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đều cho rằng, giải thích nói trên của Petrolimex chưa thuyết phục, doanh nghiệp này cần chỉnh sửa lại báo cáo tài chính theo đúng chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Thiệt hại nặng cho nhà đầu tư
Để cứu vãn tình thế, Petrolimex đã phát hành lại báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, Petrolimex đã quyết định điều chỉnh giảm khoản dự phòng hàng tồn kho theo quy định của chuẩn mức kế toán Việt Nam cùng các ảnh hưởng có liên quan. Đồng thời, doanh nghiệp này đã đề nghị KPMG phát hành lại Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019 và báo cáo lên UBCK Nhà nước và sàn HOSE.
Có thể bạn quan tâm
Xem xét kỷ luật nguyên Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Bảo Ngọc
18:30, 30/09/2019
Vì sao Petrolimex "lừng khừng" thoái vốn?
06:30, 15/08/2018
Petrolimex: Vì sao doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm?
07:51, 31/05/2018
Petrolimex lại bán đứt "đứa con" PIT
00:25, 12/05/2018
Dù trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm mới được Petrolimex phát hành lại, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán KPMG cũng đã được loại bỏ, nhưng nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng từ sự cố nói trên, khi giá cổ phiếu PLX đã giảm mạnh trong thời gian qua, có thời điểm giảm xuống mức 56.000đ/cp.
2.635 tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Petrolimex, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Là “ông lớn” DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán và đứng đầu ngành xăng dầu, đáng lẽ Petrolimex phải đi đầu trong công tác minh bạch quản trị tài chính, nhưng “ông lớn” này đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng theo chuẩn mức kế toán Việt Nam, khiến đơn vị kiểm toán phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính 6 tháng công bố lần đầu.
Được biết khi cổ phiếu PLX thiết lập đỉnh, Tập đoàn này đã nhiều lần bán ra một lượng lớn cổ phiếu quỹ, trong đó vào cuối tháng 6 vừa qua, Petrolimex đã bán 20 triệu cổ phiếu quỹ.
Trước tình hình này, nhiều Công ty chứng khoán đã tỉnh đòn, cơ quan kiểm toán và UBCK Nhà nước đã kịp thời can thiệp, nếu không, rất nhiều nhà đầu tư mất tiền và đặc biệt mất niềm tin khi đầu tư vào cổ phiếu PLX.
Ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, để siết chặt các vi phạm trong lập báo cáo tài chính, các công ty đại chúng chỉ được lựa chọn một trong những đơn vị kiểm toán trong danh sách đã được UBCK chấp thuận. Điều này sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào mỗi cổ phiếu.
Cần tăng chế tài xử phạt vi phạm Ông Hoàng Hùng- Phó Tổng Giám đốc PWC cho rằng, bản chất của quản trị công ty là nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên có lợi ích liên quan như nhà đầu tư, người lao động, nhà cung ứng, khách hàng, cộng đồng xã hội, các cơ quan quản lý, cũng như bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp. Việc công bố thông tin về quản trị công ty sẽ giúp tăng cường sự minh bạch và niềm tin của các bên liên quan, giúp khẳng định uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Minh bạch quản trị sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao được khả năng quản lý, tiếp cận các đối tác kinh doanh, nguồn vốn mới, thu hút được nhân tài, qua đó, giá trị doanh nghiệp sẽ tự tăng lên trên thị trường vốn. Do vậy, giải pháp tối ưu nhất giúp các nhà quản lý và các nhà đầu tư đánh giá được đúng và đủ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp là thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong việc triển khai các nguyên tắc quản trị công ty, cũng như trong báo cáo và công bố thông tin về quản trị công ty, đặc biệt trên sàn niêm yết. Được biết, Bộ Tài chính, UBCK đã siết chặt công tác xử phạt vi phạm báo cáo tài chính từ 20 triệu đồng tới 30 triệu đồng với các hành vi vi phạm: Không lập báo cáo tài chính; Báo cáo tài chính không khớp với sổ kế toán và chứng từ kế toán; Báo cáo tài chính không phù hợp với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán… Tuy nhiên, việc vi phạm những nội dung nói trên vẫn còn khá phổ biến. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trong việc minh bạch quản trị doanh nghiệp, cần tăng cường chế tài xử phạt, giám sát để các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là những quy tắc về chuẩn mực kế toán của Việt Nam. |